Thực hành Kim cương thừa chân chính và giả mạo | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Thực hành Kim cương thừa chân chính và giả mạo

1156
23/04/2018 - 20:18

Các bậc Căn bản Thượng sư của tôi thường phàn nàn rằng ngày nay mọi người thường lảng tránh khi nghe nói đến các giới Sa diCụ túc giới nhưng lại vội vàng vân tập mỗi khi nghe nói có các quán đỉnh và truyền trao giáo pháp Kim Cương thừa. Số người quan tâm trì giữ Tam muội da giới sau khi đón nhận quán đỉnh và truyền trao giáo pháp hiếm như việc thấy các vì sao vào ban ngày. Thượng sư của tôi, Ngài Ontrul Rinpoche, khi sinh thời thường dạy rằng nhiều hành giả ngày nay không quan tâm đến ba nghi lễ căn bản và thực hành ăn chay, họ thoải mái ăn thịt và uống rượu mà chẳng hề giữ giới Tam muội da. Những người không có tâm chí thành chiêm ngưỡng các vũ điệu và thủ ấn mà không hề thực hành thiền định. Vì trong đầu chỉ có tám mối bận tâm thế gian (bát phong), họ chẳng ngần ngại so sánh xem pháp khí nào trông đẹp hơn, vị chủ sám nào có giọng ấn tượng hơn, tự viện nào lớn hơn và nhiều tăng chúng hơn… Khi nhìn vào tất cả hành vi này, có lẽ thời đại được Thượng sư Liên Hoa Sinh huyền ký là “thời đại Chân ngôn thừa bí mật trở thành việc tán tụng theo nghi lễ” đã tới. Đây là một dấu hiệu về thời gian. Bạn có hiểu được điều đó không?

Trong hình ảnh có thể có: 6 người, mọi người trên sân khấu

(Pháp hội Đại Bi Quan Âm tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên)

Thượng sư của tôi trước đây thường dạy: “Trong quá khứ, đã có lúc mọi người đều thực hành như vậy. Ví dụ như những trống nhỏ dùng để thực hành nghi lễ không có những phẩm chất và đặc tính được mô tả trong Kim cương thừa, được trang hoàng bằng nhiều đá lam ngọc, san hô và rất khó nhấc lên. Mặc dù nhiều người không hiểu hết các kinh điển song những nơi cất giữ kinh điển được phủ gấm, trang hoàng bằng bạc ở các bên và những bông hoa bạc chạm khắc nạm vàng ở các cạnh. Chỉ cần nhìn thấy những nơi đó thôi cũng đã khiến chúng ta thấy vô cùng xúc động”. Thượng sư của tôi hồi tưởng về một số bậc trưởng lão tại trụ xứ của Ngài, Tự viện Zhichen, đã kể với Ngài rằng có lần Bậc khám phá bảo báu tàng thư Terton Lerab Lingpa, danh hiệu thường được nghe là Terton Sogyal (1856-1926), Thượng sư Kim cương thừa vĩ đại, bậc Thầy của Đức Dalai Lama đời thứ XIII và đã được ấn chứng là bậc nhiếp chính của Thượng sư Liên Hoa Sinh, từng tới thăm Tự viện Zhichen và ban quán đỉnh Bí mật Tập hội Guhyagarbha cho chư tăng tại Tự viện. Khi mọi người mang chiếc bình của Tự viện, được làm bằng vàng, trang hoàng bằng bảo báu, và được cất giữ trong Mạn đà la đến cho Ngài ban quán đỉnh, Ngài nói: “Cái bình này nặng quá. Hãy để nó đấy. Chiếc bình nhỏ mà ta đã từng đặt lên đầu Đức Dalai Lama là đủ dùng rồi”, và Ngài lấy ra một chiếc bình nhỏ bằng đồng có bề ngang chừng non một gang tay ra khỏi túi. Vì thế, dường như các hành giả yogi vĩ đại và các bậc Thầy chân chính có thể tỏa rạng cùng những lý do đặc biệt để lợi ích giáo pháp và chúng sinh. Nếu không phải như vậy, nếu chư Thượng sư và đệ tử như chúng ta thực hành những hoạt động đó, thì những việc này sẽ trở thành vô nghĩa, giống với đóng kịch hơn.

Ở Darjeeling nơi tôi sống, khi những Phật tử trong vùng thỉnh cầu tự viện cử chư tăng đến nhà cầu nguyện và làm lễ, họ thỉnh cầu Bajawala - theo thổ ngữ của họ có nghĩa là “những vị tăng nhạc sỹ”. Cách dùng từ như vậy có vẻ phù hợp nhưng khi suy ngẫm thì chúng ta thấy thật kỳ cục. Tương tự như vậy, trong các vũ điệu Kim cương thừa, các Bản tôn xuất hiện để giải thoát những ai có phúc duyên nhìn thấy các Ngài (kiến tức giải thoát), nhưng ngày nay vũ điệu này được nhiều người coi là một vũ điệu giải trí và được gọi là “Vũ điệu Lama”.
Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người trên sân khấu, mọi người đang đứng và ngoài trời

(Vũ điệu 8 Hóa Thân Đức Phật Liên Hoa Sinh)

Năm ngoái, một tờ báo đăng bài về buổi lễ được tổ chức ở Dharamsala nhân dịp lễ hội Tsechu viết rằng “sau khi tất cả các vị khách đã an tọa, màn biểu diễn vũ điệu Tám Hóa thân của Thượng sư Liên Hoa Sinh đã được thực hiện để mọi người cùng vui”.

Khi đọc bài báo này, tôi cảm thấy buồn và nghĩ, “Ôi chao… Thật đáng tiếc. Giá mà họ có tâm chí thành với Kim cương thừa và Thượng sư Liên Hoa Sinh. Từ ngữ của bài báo rất trịnh thượng”. Tôi cảm thấy cách viết như vậy chẳng hề có chút tôn kính và chí thành nào, và thời điểm Chân ngôn thừa bí mật trở thành tán tụng theo nghi lễ, như huyền ký của Thượng sư Liên Hoa Sinh, chắc chắn đã đến rồi. Tôi vẫn thấy buồn khi nghĩ về điều này. Có lẽ lúc này đầu óc tôi đang hẹp hòi. Nhưng nếu suy nghĩ, bạn cũng có thể có cảm giác giống như tôi. Tất cả là do sở học hạn hẹp và sự thiếu hiểu biết mà ra.

(Trích ấn phẩm "Tự Truyện Pháp Ký" của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,129,480
Số người trực tuyến: