Hai thực hành phát nguyện | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Hai thực hành phát nguyện

895
09/09/2022 - 19:35

Hai thực hành phát nguyện

Trong Đại Thừa có hai thực hành phát nguyện: tuyệt đối và tương đối. Thực hành phát nguyện này có hai loại - Bồ đề tâm nguyện và Bồ đề tâm hạnh. Đối với những hành giả sơ cơ, thực hành phát Bồ đề tâm nguyện có vai trò quan trọng hơn. Bồ đề tâm nguyện có ý nghĩa rốt ráo là tâm từ bi vì, như giáo pháp đã dạy: “Nếu có tâm nguyện thiện lành thì mọi Căn và Đạo đều thiện lành. Nếu tâm nguyện ác thì mọi Căn và Đạo đều ác”. Tâm nguyện thiện lành còn được coi là nền tảng của năm con đường đạo và mười quả vị chứng đắc Bồ tát đạo.

Tâm từ bi hay tâm nguyện thiện lành cần được rèn luyện bằng Tứ vô lượng tâm, vì khi chúng sinh thực hiện bất cứ hành động nào, dù là tâm linh hay thế gian, thì sự ích kỷ mạnh mẽ tức thời xuất hiện khiến chúng sinh khó lòng có được tâm từ bi thực sự đầy đủ. Sự ích kỷ này có thể trở thành nhân khiến họ mắc sai lầm, ngay cả đối với các hành giả tâm linh tin vào luật nhân quả. Một người có tâm ác có thể khiến cả thế giới phiền muộn. Lịch sử cho thấy nhiều bậc quân vương, tổng thống, những người giàu có, quyền lực và những người nổi danh vì vẻ đẹp, giọng nói hay sức ảnh hưởng cuối cùng đều đã tự sát hay bị ám sát bằng súng hay thuốc độc.

Trong xã hội ngày nay, nhiều người mất cân bằng tâm lý, bị trầm uất hay nghiện rượu hoặc ma túy, vì vậy họ mắc phải những chứng bệnh nan y. Có thể do thiện nghiệp đã tích lũy từ các đời quá khứ, họ trở thành những nhà cầm quyền đầy thế lực, được sinh ra với tướng mạo đẹp đẽ, có tài hùng biện hay danh tiếng. Nhưng nếu đời này họ chỉ chạy theo tham muốn ích kỷ của bản thân, mọi công đức họ đã tích lũy trong các đời quá khứ mà họ đang được hưởng rồi cũng sẽ tiêu tan. Vì tham muốn ích kỷ quá mạnh mẽ, họ không thể thực hành thiện nghiệp để tích lũy cho tương lai mà còn mắc phải các bất thiện nghiệp. Điều này dẫn đến quả báo không tránh khỏi. Nếu nghĩ mình đang tài giỏi, thông minh, có học vấn, chúng ta cần hiểu đời sau dài hơn đời này. Ngay cả khi không tin vào việc có đời sau, chúng ta cũng cần coi trải nghiệm ngày hôm qua là bài học cho hôm nay và những gì chúng ta học được từ ngày hôm nay là nền tảng để chúng ta sống tốt hơn trong ngày mai.

Tóm lại, nếu không biết cách chuẩn bị cho an vui tuyệt đối hay hạnh phúc bền lâu trong tương lai, chúng ta sẽ lãng phí mọi trí tuệ và học vấn của bản thân. Ngay cả loài côn trùng nhỏ bé cũng cần mẫn lao động để thỏa mãn những mong muốn nhỏ nhoi của chúng trong một vài giờ. Nếu bạn chỉ làm như chúng thì có nghĩa là lúc này bạn không sử dụng trí tuệ của con người. Vì nghiệp báo là điều không tránh khỏi, những khổ đau to lớn chắc chắn sẽ xảy ra với bạn trong tương lai. Tôi thường nghĩ ngay cả những người không theo tôn giáo cũng rất mong muốn khi chết được an lạc. Vì thế, con đường đạo tiêu trừ sự ích kỷ, chấp ngã và tạo ra Bồ đề tâm vị tha được gọi là chính đạo. Sự ích kỷ và từ bi như bóng đêm và ánh sáng, giống như khi đã có ánh mặt trời thì không thể còn bóng đêm. Khi chúng ta có tâm nguyện thiện lành thì không còn sự ích kỷ. Theo chiều ngược lại, ở đâu có sự ích kỷ thì không thể có tâm nguyện thiện lành. Biết được vậy, chúng ta cần luôn kiểm chứng bản thân. Tâm nguyện tu học con đường đạo thiện lành được gọi là tâm nguyện kép. Các nghi quỹ khai thị mô tả rõ hai tâm nguyện này như sau: hướng tâm về chúng sinh với lòng bi mẫn, và cùng lúc hướng về giác ngộ toàn tri. Vì thế, giáo pháp chỉ rõ trước tiên chúng ta cần tạo dựng một nền tảng vững chắc với tình yêu thương và lòng bi mẫn thuần khiết hướng đến vô lượng chúng sinh.

(Trích ấn phẩm "Tự Truyện Pháp Ký" - Tác giả: Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,136,638
Số người trực tuyến: