Bạn đang ở đây
Đâu là nhân tạo ra tâm thiện và tâm ác?
Đức Phật là một nhà khoa học vĩ đại
Tôi luôn nói rằng Đức Phật là một nhà khoa học vĩ đại. Đức Phật gọi tâm là “tâm vương”. Một hôn quân thường không đoái hoài gì đến sự an vui của thần dân còn một bậc minh quân luôn khiến cho thần dân thấy vui sướng hạnh phúc. Tương tự như vậy, tâm bất thiện sẽ thúc đẩy các hành động bất thiện dẫn đến những khổ đau; trong khi tâm thiện lành sẽ thực hiện các thiện nghiệp, mang đến an vui hạnh phúc. Kinh điển Đại thừa đã dạy: Việc tinh tấn thực hành Tam tuệ học (Văn - Tư - Tu) và Lục độ Ba la mật với cảm hứng từ tâm xuất thế gian thanh tịnh vĩ đại hơn bất cứ tâm từ nào, dẫn đến sự chứng đắc trạng thái an lạc nhất thời của chư thiên hay loài người, và rốt ráo là đại lạc tuyệt đối của toàn tri. Tương tự như vậy, thực hành lòng bi mẫn dẫn đến trưởng dưỡng trí tuệ, và theo các khai thị của Thượng sư, thiền định về sự hợp nhất của từ bi và trí tuệ dẫn đến chứng đắc giác ngộ, hay gọi là Niết bàn. Ở giai đoạn này hành giả không còn cần nỗ lực để được tái sinh vào một cảnh giới cao hơn hay được an vui trong đời này, đời sau như nội dung thực hành của Nguyên thủy Phật giáo.
Bằng việc thực hành trì giới là nền tảng và thiền định là con đường đạo, với mục đích duy nhất là đạt được giác ngộ vì lợi ích của hết thảy chúng sinh, hành giả chứng đắc trí tuệ và làm trí tuệ đó trở nên sắc bén hơn nhờ việc thực hành thiền. Cách thực hành này được gọi là “phi thường” vì khác với các phương pháp thực hành tu tập khác.
Song đâu là nhân tạo ra tâm thiện và tâm ác?
Tính ích kỷ tạo ra tâm ác còn suy nghĩ vị tha, hay suy nghĩ với mức độ vị kỷ ít hơn sẽ tạo ra tâm thiện. Phiền não có thể được hiểu là khổ đau, hoặc như thể có người đang tạo ra nỗi đau, vì phiền não không để chúng ta yên mà khiến tâm luôn vọng động, khiến chúng ta phải tái sinh vào nhiều cõi giới khác nhau, trải nghiệm khổ đau và không có sự tự do, tự tại.
Tin tốt lành là khi tìm hiểu căn nguyên của phiền não, chúng ta thấy rằng phiền não bắt nguồn từ tâm như huyễn tin vào sự tồn tại của cái “tôi” (chấp ngã) trong khi cái “tôi” đó hoàn toàn không có thực. Khi chúng ta bắt đầu hiểu về bản chất vô ngã của cái “tôi” và cuối cùng có sự tự tin trong trải nghiệm thì giống như nơi có ánh sáng sẽ không còn bóng tối, nhân của khổ đau bị tiêu trừ và chúng ta đạt được chứng ngộ về vô ngã. Vì lý do này, phiền não được gọi là nhiễm ô thế gian. Đại Thừa Tối Thượng Mật Luận (Uttara Tantra) và các kinh điển khác dạy rằng tâm bản lai vốn không bị phiền não làm nhiễm ô. Vì thế, khi tâm được tịnh hóa khỏi phiền não là tính ích kỷ, chung ta bắt đầu trải nghiệm hạnh phúc thế gian và cuối cùng trưởng dưỡng đầy đủ mọi phẩm chất từ bi và trí tuệ. Khi các phiền não, ví dụ như ích kỷ và các nhiễm ô thế gian khác cùng tàn dư của chúng đã được tịnh hóa, thì các phiền não đó chắc chắn sẽ được thay thế bằng các phẩm chất có từ bản lai là “Như Lai Thập Lực” và “Tứ Vô Úy”.
Giáo pháp dạy rằng: “Tâm vô ngã là Phật” và tâm này được gọi là Bảo tính tâm. Một số Mật điển goi tâm này là tâm bản lai. Ngoài tâm ra, không có cơ sở nào để xác định phẩm chất vì thế việc triệu thỉnh được thực hiện hướng tới tâm bản lai là Thượng sư tôn quý. Nếu suy ngẫm về Bi vô lượng tâm, được trình bày trong phần thực hành chung, hoặc Thượng sư Tối thượng Bí mật được giảng trong Kim cương thừa, chúng ta nhất định có thêm niềm tin rằng Đức Phật là một bậc Thầy vô song. Tôi nói rằng chúng ta có thêm niềm tin vì ý nghĩa của các văn bản gốc như “Tán thán Đức Phật” đã được các bậc giáo thọ và nhiều bậc Thầy khác luận giải cho tôi hiểu từ khi tôi còn bé. Những kết quả nghiên cứu mà các nhà khoa học trong thời đại ngày nay tự hào công bố sau nhiều năm nghiên cứu bằng cách sử dụng công nghệ hiện đại, đã được Đức Phật chỉ ra từ cách đây hơn 2.500 năm. Sự thật này đem lại cho chúng ta một cảm giác kinh ngạc và tin tưởng vào giáo pháp.
(Trích ấn phẩm "Tự Truyện Pháp Ký" của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)
- 2675 reads