Bạn đang ở đây
Phagmo Drupa (1100 - 1170)
Phagmo Drupa (1100-1170) đản sinh ở tỉnh Kham ở miền đông Tây Tạng, trong một gia đình nghèo khó phải kiếm sống bằng các nghề không chân chính. Tuy nhiên, Phagmo Drupa không hề bị ảnh hưởng bởi những hoạt động của gia đình. Khi chỉ mới bốn tuổi, Ngài đã thụ nhận giới xuất gia và bắt đầu thực hành tâm linh. Ngài đã tới miền trung Tây Tạng để tìm cầu các Thượng sư học đạo.
(Đại Thành tựu giả Phagmo Drupa)
Ngài thụ học giáo lý và tu tập từ rất nhiều Thượng sư trong đó Thượng sư Jetsun Sakyapa đã dạy Ngài toàn bộ giáo nghĩa Lam - Dre. Đức Phagmo Drupa thành thục rất nhiều Tantra và tu trì thiền định nghiêm mật. Ngài có thể thiền định nhiều ngày, hoàn toàn an trú trong cảnh giới hỷ duyệt và tịnh minh.
Ngay từ trước khi hạnh ngộ Đức Gampopa, Đức Phagmo Drupa đã có đầy đủ những phẩm chất của một Thành tựu giả. Trong mọi cử chỉ hành động, Ngài đều khiêm cung và bình đẳng với tất cả mọi người bất kể địa vị xã hội như thế nào, bất kể giàu hay nghèo. Ngài đặc biệt từ bi thương xót những người gặp cảnh ngộ bất hạnh và thường hay bố thí tài vật cho họ mặc dù ngay bản thân mình cũng không có đủ. Điều quan trọng nhất đối với Đức Phagmo Drupa là được phụng sự hết thảy hữu tình không trừ một ai. Về phương diện thực hành, Ngài giành hầu hết thời gian để tu tập thiền quán và thiền định.
(Đại Thành tựu giả Gampopa)
Mặc dù đã đạt được những thành tựu như vậy nhưng Đức Phagmo Drupa vẫn cảm thấy mình cần sự chỉ dạy của một bậc Thầy giác ngộ. Do đó, Ngài viếng thăm tự viện Dagla Gampo. Ngay giây phút hạnh ngộ Đức Gampopa và sau một thời gian đàm đạo ngắn, Đức Phagmo Drupa lập tức chứng ngộ bản tâm trí tuệ và hoàn toàn thực chứng viên mãn chân lý tuyệt đối. Trong những ngày tiếp theo, Ngài hoàn toàn thành thục đốn chứng Đại Thủ Ấn Mahamudra.
Đức Phagmo Drupa dành trọn quãng đời còn lại tiếp tục tu tập thiền định với lòng kiên trì không ngừng nghỉ và trở thành một tấm gương sáng cho chúng sinh noi theo. Sau đó, Ngài dựng một tự viện ở miền Trung Tây Tạng, độ vô số đệ tử, trong đó tám vị đại đệ tử của Ngài đã thành lập nên tám phái của Truyền thừa Kagyud. Lingchen Repa - Căn bản Thượng sư của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ nhất là một trong tám đại đệ tử được chọn làm người kế tục Truyền thừa.
Nguồn: Phagmo Drukpa - Lineage - www.drukpa.org
Viết bình luận
- 802 reads