Bạn đang ở đây
Bảy chi cầu nguyện - Thực hành trọn vẹn công hạnh giác ngộ
Thực hành Bảy chi cầu nguyện gồm có Đỉnh lễ, Cúng dàng, Sám hối, Tùy hỷ công đức, Thỉnh chuyển Pháp luân, Thỉnh Phật trụ thế, Hồi hướng công đức. Việc thực hành Bảy chi cầu nguyện vô cùng lợi ích, được đặt trước tất cả các nghi quỹ như một phần không thể thiếu. Chúng ta có thể tưởng tượng Bảy chi cầu nguyện giống như người có đầy đủ chân tay. Nếu đầy đủ chân tay, chúng ta làm được nhiều việc, cuộc sống sẽ an bình, hạnh phúc và lợi ích được nhiều người. Còn nếu không, chúng ta sẽ như phế nhân, dù có trí tuệ, suy nghĩ nhưng cũng chẳng làm được gì. Bởi vậy Bảy chi cầu nguyện ở đây sẽ giúp cho chúng ta trọn vẹn tất cả những phẩm chất, công hạnh giác ngộ.
1. Cúng dàng
Chi thứ nhất là việc Cúng dàng. Mục đích của cúng dàng không phải để cho Đức Phật hay Thượng sư thụ hưởng mà chính là chúng ta đang tích lũy công đức. Các Ngài là các bậc giác ngộ, là phúc điền phì nhiêu nhất mà khi biết gieo hạt giống công đức xuống, chính chúng ta là người được gặt hái. Bởi vậy nên việc đầu tiên chúng ta cần là dẹp bỏ bản ngã. Việc thứ hai chúng ta cần phải cúng dàng để xả ly sự chấp trước.
Thêm nữa chúng ta cúng dàng vì trong đời sống có nhiều điều không viên mãn như cầu cho công danh sự nghiệp, cầu cho con cái… Sự bất viên mãn này đến đều vì chúng ta thiếu phúc đức. Chúng ta cũng hiểu luật nhân quả, bất kỳ điều gì chúng ta làm se có kết quả. Thực hành cúng dàng giúp tích lũy vô số công đức nên sẽ đem tới kết quả là đời sống hiện tại của chúng ta sẽ an ổn hơn. Vì thế, việc chúng ta cúng dàng chư Phật một nén hương, một bông hoa, một trái quả hay tất cả những vật dụng khác cùng việc quán tưởng thì công đức sẽ tăng trưởng. Và kết quả của việc cúng dàng là để khi chúng ta đạt được cảnh giới giác ngộ thì cảnh giới của chúng ta như cảnh giới Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà với rất nhiều cảnh sắc diệu dụng để lợi ích chúng sinh. Còn nếu chỉ tu tâm thôi thì chúng ta sẽ lạc về cảnh giới trống rỗng như cõi Vô sắc, nơi đấy chẳng có gì, Đức Phật còn quở đó là chốn trầm không trệ tịch nên lạc về đó không lợi ích gì cho bản thân và chúng sinh.
2. Đỉnh lễ
Bản ngã chính là tội tạo nghiệp nhiều nhất nên chúng ta đối trị bằng hạnh khiêm nhường qua những thực hành như Đỉnh lễ Phật. Khía cạnh ý nghĩa bên ngoài của việc đỉnh lễ là chúng ta lễ những bậc giác ngộ, tôn trọng những bậc đã đạt được những phẩm chất tốt đẹp, lợi ích chúng sinh một cách không mệt mỏi. Khía cạnh ý nghĩa bên trong là chúng ta đang đỉnh lễ sự giác ngộ ở nơi mình. Cho nên trong Đại thừa Phật giáo có câu kệ: “Năng lễ sở lễ tính không tịch, Cảm ứng đạo giao khó nghĩ bàn”. Năng lễ là chúng ta, sở lễ là Phật, cả hai năng sở đều là Phật tính nhất như vốn đầy đủ tất cả công đức trí tuệ thì cảm ứng thành tựu tất cả những tâm nguyện sẽ không thể nghĩ bàn.
3. Sám hối
Kế đến là việc Sám hối. Chúng ta phải sám hối bởi nếu không sám hối những nghiệp xấu đã tạo thì chúng ta phải chịu quả. Việc sám hối như thể thân chúng ta nhơ uế cần phải tắm rửa sạch sẽ để giúp tâm giờ phút này trở thành một bình pháp khí, trở thành thân, khẩu, ý giác ngộ của Phật, nên thực hành này là rất cần thiết. Khi tụng đọc Bảy chi cầu nguyện dù chỉ có một từ “sám hối” nhưng các Phật tử hãy tự khởi tâm để sám hối. Cũng như một cốc nước chúng ta chứa rất nhiều loại nước bẩn nhiễm ô, bây giờ muốn đựng nước cam lộ, một loại nước thanh tịnh thơm ngon thì chúng ta phải rửa sạch cái cốc ấy để có thể rót nước cam lồ thơm ngọt vào đó. Bởi vậy, chúng ta cần sám hối để tịnh hóa tất cả những tội lỗi nghiệp chướng có thể sám hối được. Đồng thời, chúng ta cần khởi tâm cầu nguyện tất cả nhưng hành động tạo tác từ vô thủy kiếp cho đến giờ, những quả khổ hiện tại, những nhân khổ mà chúng ta đang gieo hay những quả khổ trong tương lai, chúng ta sẽ không bị chịu quả. Đấy là ý nghĩa của thực hành sám hối để tiêu trừ những ác nghiệp của thân, khẩu, ý và đạt được thân, khẩu, ý giác ngộ.
4. Tùy hỷ công đức
Kế đến, chúng ta thực hành hạnh Tùy hỷ công đức, hạnh vô cùng cần thiết để đối trị tâm đố kỵ, ghen tỵ. Ví dụ một người không đủ tiền để cúng dàng lại tự kỷ, nghĩ rằng mình thân phận nghèo hèn không có đủ để cúng dàng lên các bậc Thượng sư để cầu giác ngộ, không đủ tài chính, tiền bạc để lân mẫn các bậc thầy nên sinh tâm đố kỵ với người cúng dàng khác. Tâm tỵ hiềm như rắn độc làm cho chúng ta thui chột tất cả Bồ đề tâm, mất hết đạo pháp. Nhiều người không phải vì bỏ Thầy nhưng vì tị hiềm giữa các Phật tử với nhau mà bỏ đạo. Cho nên việc tùy hỷ trong Đạo Phật rất đáng trân trọng. Trong Đạo Phật có dạy rằng nếu chúng ta tùy hỷ công đức của những người kém hơn mình thì công đức bản thân tích lũy sẽ hơn những người đó. Còn nếu biết tùy hỷ công đức những người ngang bằng thì công đức mình tích lũy cũng ngang bằng họ. Và nếu chúng ta tùy hỷ công đức của chư Phật thì chúng ta cũng được một phần công đức vô lượng của chư Phật. Việc tùy hỷ này là ở nơi tâm, không phải ở sự tướng, không có chuyện nói rằng “Tôi tùy hỷ công đức các bạn” là xong. Cho nên trong Tăng đoàn, việc tùy hỷ là quan trọng và thiết yếu, là thần dược chữa lành tất cả những căn bệnh trầm kha, những nọc độc đố kỵ đang ủ tàng trong các Phật tử. Và lúc này chúng ta tùy hỷ công đức để có thể sống hòa đồng, an trụ. Công đức của thực hành tùy hỷ như vậy thật rất lớn.
5. Thỉnh chuyển Pháp luân
Kế đến chúng ta Thỉnh chuyển Pháp luân. Vì không hiểu tình yêu thương chân thật, lòng từ bi trí tuệ, không hiểu được sự nhân ái, sự kiên nhẫn Ba la mật là thế nào nên chúng ta tạo ra rất nhiều chướng ngại. Việc thỉnh chuyển Pháp luân ở đây không phải là quay bánh xe, không phải là những Kinh điển, mà chính là chúng ta trải rộng lòng từ bi trí tuệ đến tất cả chúng sinh, khơi dậy tình yêu thương và trí tuệ trong chính bản thân mình cùng chúng hữu tình. Đây là việc cần làm để chúng ta trải nghiệm được hạnh phúc.
6. Thỉnh cầu bậc Thầy trụ thế
Tiếp theo, chúng ta sẽ thỉnh cầu bậc Thầy trụ thế. Trong quan kiến Kim cương thừa, bậc Thầy là đối tượng quy y, là nền tảng căn bản, tiên quyết và quan trọng nhất để thành tựu giác ngộ. Những mối liên hệ thế gian vận hành tùy theo nghiệp duyên và cảm xúc nên lúc còn lúc mất. Đời này có khi là vợ là chồng, là thân bằng quyến thuộc nhưng đời sau lại có khi là kẻ thù, chịu những biến dịch, chuyển rời của luân hồi không thể đo được. Chỉ có thực hành tâm linh mới giúp chúng ta đến tận cùng con đường và tiếp tục mãi trên con đường lợi ích chúng sinh. Trên hành trình này, vai trò của Thượng sư như ánh đèn trong đêm tối. Mục đích của thỉnh cầu bậc Thầy trụ thế là để cầu xin trí tuệ, không phải là chúng ta cầu các Ngài trường thọ thì các Ngài được trường thọ. Đức Phật hay chư Thượng sư hiện diện ở thế gian chỉ vì mục đích lợi ích chúng sinh, nhưng nếu chúng sinh không cần các Ngài, không có sự thỉnh cầu, không thực hành giáo pháp, không gửi sóng chí thành để kết nối thì các Ngài sẽ viên tịch chuyển thế đến cõi giới khác cần sự trợ duyên của các Ngài hơn. Cho nên thiện hạnh quan trọng Phật tử cần làm là thỉnh cầu các bậc Thầy trụ thế.
7. Hồi hướng công đức
Cuối cùng là Hồi hướng công đức. Khi thực hành thiện hạnh, chúng ta cần đem tất cả những công đức đó hướng về sự giác ngộ của bản thân và chúng sinh. Sự giác ngộ là một thuật ngữ, nhưng trong đó đã đầy đủ những phẩm chất xuất thế gian hay thế gian hay là việc thành tựu mọi tâm nguyện, hồi hướng là quay trở lại, gom tất cả những gì mình đã thực hành để hướng đến chân hạnh phúc, hướng đến sự giác ngộ.
- 2547 reads