Mối quan hệ giữa bản thể và hiện tượng trong Trí tuệ Bát nhã | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Mối quan hệ giữa bản thể và hiện tượng trong Trí tuệ Bát nhã

948
08/04/2022 - 17:05

Nếu như hai câu đầu của Bát Nhã Tâm Kinh tóm tắt toàn bộ tinh thần Bát nhã thì những câu sau triển khai thêm về tư tưởng Bát nhã.

Mối quan hệ giữa “Bản thể” và “Hiện tượng”

“Này Xá Lợi Tử! Tướng Không của mọi pháp không sinh không diệt, không nhơ không sạch, không thêm không bớt”.

Câu đầu nêu ý “Ngũ uẩn giai không” - ngũ uẩn, biểu thị cho bản ngã chúng ta, là Không. Ý tiếp theo là “chư pháp không tướng”. “Chư pháp” là tất cả các pháp, tất cả mọi thứ trong vũ trụ, từ vũ trụ của tâm ta cho đến vũ trụ bên ngoài. Như vậy, Bát nhã đã mở rộng phạm vi của Không, nhằm xác quyết rằng không chỉ riêng con người mà tất cả mọi sự vật hiện tượng (vạn pháp) cũng đều là Không. Không là bản thể chân thật của vạn pháp, và vạn pháp chỉ là diệu dụng của Không, cũng như nước là bản thể của sóng và sóng là diệu dụng của nước.

Ở đây chúng ta có thể thấy mối quan hệ giữa “bản thể” và “hiện tượng” hay giữa thể và dụng. Nước là bản thể, sóng là hiện tượng. Bản thể và hiện tượng không phải là hai thứ khác nhau mà chỉ là hai cách khác nhau để nói về cùng một thứ. Sóng không khác với nước, nước không khác với sóng. Nước là sóng và sóng là nước. Đứng trên bờ nhìn ra biển, nếu nhìn vào sóng (tức là hiện tượng), chúng ta sẽ thấy rằng có những con sóng mới sinh ra, có những con sóng cũ tan biến đi, có những con sóng vẩn đục bùn, có những con sóng sạch trong, có những con sóng dâng cao, có những con sóng lụi tàn. Tuy nhiên, nước (tức là bản thể) vẫn chỉ là nước, luôn ở đó, không sinh ra, không mất đi, không bẩn, không sạch, không tăng, không giảm.

Tương tự như nước, Không là bản thể của vạn pháp. Và, tương tự như sóng, vạn pháp là sự hiển bày của Không. Vạn pháp chẳng khác Không, Không chẳng khác Vạn pháp. Không là thể tính tuyệt đối của vạn pháp - luôn thường hằng, không sinh, không diệt, không dơ, không sạch, không tăng, không giảm, và Vạn pháp là hiện tướng của Không.

Sự phủ nhận 18 giới tạo nên toàn bộ vũ trụ

“Cho nên trong Chân Không không có sắc, không có thụ tưởng hành thức. Không có mắt tai mũi lưỡi thân ý, không có sắc thanh hương vị xúc pháp, không có nhãn thức giới cho đến không có ý thức giới”.

Từ câu này trở đi, Bát nhã giới thiệu một bản liệt kê tất cả những khái niệm và giáo pháp cơ bản mà chính Đức Phật đã thuyết giảng như Mười tám giới, Tứ Diệu Đế, Mười Hai Nhân Duyên, Bát Chính Đạo, Bồ tát Hạnh… Những lời giảng này là nền tảng của Đạo Phật. Tuy nhiên, xét về khía cạnh chân lý tuyệt đối, Bát Nhã Tâm Kinh chỉ ra rằng tất cả giáo pháp Đức Phật giảng chỉ là những phương tiện, như ngón tay chỉ mặt trăng. Ngón tay này vốn không phải mặt trăng, nhưng nương ngón tay có thể thấy mặt trăng, cũng như nhờ thực hành giáo pháp mà chúng ta có thể đạt được giác ngộ. Trí tuệ Bát nhã chính là sự hợp nhất của phương pháp thực hành và trí tuệ giác ngộ.

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức (Ngũ uẩn) là những yếu tố tạo nên thân người. Bát nhã giờ đây phủ nhận Ngũ uẩn bởi các yếu tố này chỉ là duyên hợp tạm thời rồi lại tan rã.

Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý (Sáu căn hay sáu gốc) là những cửa ngõ giữa thế giới bên ngoài và thế giới bên trong tâm chúng ta. Nếu không có Sáu căn thì không có chúng ta, cả thể xác lẫn tinh thần. Nhưng Bát nhã giờ đây phủ nhận Sáu căn.

Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp (Sáu trần hay sáu bụi) là đối tượng của ý thức tương ứng với Sáu căn được trình bày trong đoạn trên. Sáu trần là thế giới bên ngoài phản ánh vào thế giới bên trong tâm chúng ta thông qua Sáu căn và đem lại cho ta cảm giác. Sáu trần tạo nên toàn bộ vũ trụ. Năm trần đầu tiên tạo nên vũ trụ vật chất; còn trần cuối cùng – pháp - tạo nên cảnh giới của ý thức phân biệt. Nhưng Bát nhã giờ đây phủ nhận Sáu trần.

Câu tiếp theo “Không có nhãn thức giới cho đến không có ý thức giới”, nghĩa là “chẳng có nơi để nhìn, cho đến chẳng có nơi để ý thức”, đề cập về mười tám giới, tức mười tám lĩnh vực, gồm:

  • Sáu giới của căn (nhãn giới, nhĩ giới, tỉ giới, thiệt giới, thân giới, ý giới);

  • Sáu giới của trần (sắc giới, thanh giới, hương giới, vị giới, xúc giới, pháp giới)

  • Sáu giới của thức (nhãn thức giới, nhĩ thức giới, tỉ thức giới, thiệt thức giới, thân thức giới, ý thức giới).
     

Bát nhã dùng cách nói vắn tắt, chỉ nhắc đến giới đầu là nhãn giới, và giới cuối là ý thức giới, để chỉ cả mười tám giới. Mười tám giới này làm nên toàn vũ trụ bên ngoài cũng như cảnh giới phóng chiếu trong tâm ta. Nhưng ở đoạn này Bát nhã lại phủ nhận cả mười tám giới, phủ nhận toàn thể vũ trụ.

Như vậy, chúng ta cần lưu ý những điểm sau:

Thứ nhất, trong ngôn ngữ Bát nhã, lối nói phủ định và khẳng định cùng diễn đạt một ý nghĩa - “Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc. Sắc tức là Không, Không tức là Sắc”.

Thứ hai, Không là bản thể của vạn pháp, kể cả mọi giáo lý, mọi pháp tu. Như mọi thứ khác, giáo lý và pháp tu chỉ là phương tiện để trở về tính không.

Thứ ba, nếu chúng ta quan sát biển và tập trung tư tưởng của mình vào nước, chúng ta có thể nói rằng có nước nhưng không thực sự có sóng - sóng chỉ là những chuyển động của nước mà thôi. Tương tự như vậy, khi quán chiếu tính không của vạn pháp, chúng ta có thể nói rằng trong Không chẳng có gì thực sự hiện hữu, mọi thứ chỉ là sự hiển bày nhất thời của Không. Điều đó giải thích tại sao Bát Nhã Tâm Kinh nói rằng, “Cho nên trong Chân Không không có...”


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,123,718
Số người trực tuyến: