Tín ngưỡng Quan Âm bắt nguồn từ đâu? | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Tín ngưỡng Quan Âm bắt nguồn từ đâu?

1906
17/06/2022 - 19:58
Ngàn xứ cần cầu ngàn xứ ứng
Biển khổ thả thuyền vớt chúng sinh
Diệu ứng thần hóa khó đo lường
Tùy cơ thuyết pháp đồng giải thoát.
 
Trong tất cả chư Phật và Bồ tát, Đức Quan Âm là vị Phật siêu đẳng đầy năng lực, ngời sáng, lừng danh với tinh thần vô úy cứu khổ cứu nạn. Ngài là hiện thân Từ bi của mười phương chư Phật, với bản nguyện muốn khai mở, hiển lộ Bồ đề tâm và công đức đại bi sẵn có nơi tâm tất cả hữu tình. Với bản nguyện này, Ngài đã từ chối thể nhập Niết bàn thanh tịnh để hiện thân cứu độ chúng sinh nơi đau khổ luân hồi. Kinh điển dạy rằng những chúng sinh mắc nạn khổ não nhất tâm trì tụng chân ngôn và niệm danh hiệu Đức Quan Âm, thì Ngài tức thời quán sát âm thanh, làm tiêu tan khổ ách. Bởi mối thâm duyên thấu cảm sâu sắc như vậy nên thế gian tôn kính Ngài là biểu tượng tối cao của tâm Đại từ bi, hết thảy chúng sinh quy hướng về Ngài như con thơ hướng về người mẹ hiền bao dung từ ái.
 
 
Tín ngưỡng Quan Âm bắt nguồn từ Ấn Độ. Lúc đầu, tín ngưỡng này được ẩn tàng trong những tư tưởng về tâm từ bi cứu khổ của các bậc Thánh và Đạo sư trong hạnh nguyện hóa độ chúng sinh. Dần dần, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống Phật giáo Đại thừa, tín ngưỡng Quan Âm được hình thành qua các bộ kinh A Di Đà Cổ Âm Thanh Vương Đà La Ni, Đại Vô Lượng Thọ, Thủ Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm, Diệu Pháp Liên Hoa… Từ đó về sau, tín ngưỡng này được lưu truyền rộng rãi qua khu vực Himalaya, Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Á khác. Tại Nhật Bản, người dân tin rằng Thái tử Thánh Đức (Shotoku), bậc có công xiển dương Phật giáo Nhật Bản vào thế kỷ thứ VI, chính là hiện thân của Đức Quan Âm.
 

Tôn tượng Đức Quan Âm tứ thủ
 
Người dân vùng Himalaya thì tin kính Đức Quan Âm là thủy tổ của mình, cũng như tin tưởng kiên cố vào năng lực cứu độ của Bồ tát Liên Hoa Thủ, hiện thân Đức Quan Âm nơi cõi Tây phương Tịnh độ. Hành giả Mật thừa vùng Himalaya còn xưng tán thờ phụng Đức Quan Âm qua nhiều báo thân khác nhau như Quan Âm Tứ Thủ, Quan Âm Thiên Thủ, Độ Mẫu Quan Âm... Tín ngưỡng thờ phụng phổ cập tới mức từ Tăng sĩ đến người dân nơi đây đều thực hành trì tụng Chân ngôn “Om Mani Padme Hung” của Ngài. Tại Trung Quốc, tín ngưỡng Quan Âm được du nhập khá sớm trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ II đến thế ky thứ IV qua dòng Pháp mạch hoằng truyền Phật Pháp chuyển dịch kinh sách của các bậc cao Tăng như Ngài Câu Chi La Sấm, Chi Khiêm, Trúc Pháp Hộ, Cưu Ma La Thập, qua đó dần đưa hình tượng Đức Quan Âm thành nhân vật trung tâm cua hệ thống Phật giáo Đại thừa, phát triển dựa trên nền tảng của lòng từ bi, tình yêu thương và hạnh nguyện Bồ tát.

(Bức Thangka khổng lồ - Thongdrol được khai mở tại Lễ hội Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên)
  Đạo Phật được hoằng truyền vào nước ta từ thế kỷ thứ I qua đường giao thương với người Ấn Độ, Chiêm Thành. Tín ngưỡng Quan Âm có lẽ được truyền bá đến Việt Nam trong thời kỳ này. Đến thế kỷ thứ V, theo ghi nhận trong Cao Tăng Truyện thì Ngài Thích Đàm Hoằng, một vị Tăng Trung Hoa đến nước ta cư ngụ ở chùa Tiên Sơn, chuyên tụng Kinh Vô Lượng Thọ và thường phát nguyện vãng sinh Tây Phương. Năm Hiếu Kiến thứ 2 (455), Sư vào núi tự thiêu rồi tịch. Mọi người trong thôn đều thấy toàn thân Sư sáng chói, ngồi trên lưng con nai bằng vàng đi về phương Tây. Thấm cảm sự lạ lùng ấy, mọi người thu nhặt tro xương của Sư, dựng tháp cúng dàng. Căn cứ vào tích này thì tín ngưỡng A Di Đà và Quan Âm đã phát triển vào thời bấy giờ tại Việt Nam. 

~ Trích từ ấn phẩm Đức Phật Quan Âm - Thần lực Đại bi gia trì, Drukpa Việt Nam biên soạn, XB 03/2017.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,119,145
Số người trực tuyến: