Hiểu biết sai lầm về tính Không | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Hiểu biết sai lầm về tính Không

1922
29/06/2023 - 20:30

Động cơ đúng đắn trên con đường thực hành

 

Có người đặt ra câu hỏi: “Tại sao tôi lại phải bi mẫn? Tại sao tôi lại phải yêu thương chúng sinh khi chẳng có gì cả, chẳng phải vạn pháp đều là Không?” Đây là câu hỏi xuất phát từ sự vô minh, là lời viện cớ của người thiếu tình bi mẫn với chúng sinh. Câu hỏi như vậy không chỉ là sự bao biện mà còn có đôi chút hiểu nhầm. Khi nói như vậy, người đó đang hiểu bi mẫn không phải là một phương tiện thực hành; người đó đang hoài nghi rằng mọi thứ đều là Không. Chúng ta đều biết động cơ tu tập có vai trò quan trọng giúp chúng ta thực hành tiến bộ và để đạt được thành tựu, chúng ta cần có động cơ đúng đắn. Khi không có động cơ đúng đắn, ngay cả khi có cố gắng tìm hiểu việc thực hành bằng trí tuệ thông thường và biết giáo pháp dạy rằng vạn pháp là Không, những người như vậy sẽ dễ kết luận họ chẳng cần làm gì cả. Đây là cách hiểu chưa đúng. Nếu người đó có thực hành thì đây là sự khởi đầu sai lầm.

 

Khóa lễ phóng sinh của Phật tử Drukpa Việt Nam

 

Nếu chúng ta bắt đầu thực hành với động cơ đúng đắn là sự trưởng dưỡng thực sự về trí tuệ giác ngộ, thì hiểu biết về tính không sẽ giúp tạo ra tình yêu thương và lòng bi mẫn. Nếu không có động cơ đúng đắn thì việc thực hành không đạt được hiệu quả vì động cơ sai lệch luôn hạn chế tình yêu thương và lòng bi mẫn. Khi đó tình yêu thương và lòng bi mẫn bị khóa chặt bằng vô minh, bằng vọng tưởng chấp ngã. Ví dụ như nếu chúng ta chỉ yêu thương một vài người trên thế gian này thì đó là tình yêu thương rất hạn hẹp vì sự ích kỷ. Chúng ta yêu thương một đối tượng vì thấy họ xinh đẹp hay tử tế với mình. Chúng ta chỉ yêu thương một nhóm nhỏ chúng sinh như vậy. Khi nghĩ đến tình yêu thương dành cho khắp thảy chúng sinh thì chúng ta không tài nào hiểu được, vì thế mà chúng ta bị mắc kẹt. Điều thực sự ngăn cản tình yêu thương và lòng bi mẫn của chúng ta dành cho chúng sinh chính là thái độ ích kỷ, không hiểu về tính không, trái ngược với Trí tuệ Bát nhã. Điều này khiến con đường tu tập tình yêu thương và lòng bi mẫn của chúng ta bị chướng ngại.

 

 

Nếu trưởng dưỡng được hiểu biết về tính không của vạn pháp, hiểu biết này sẽ giúp chúng ta vượt qua chướng ngại nói trên và thực hành tình yêu thương và lòng bi mẫn vô điều kiện. Hiện tại thì mọi thứ đều cần có điều kiện, vì chúng ta cho rằng các điều kiện đó là rất thực chắc, không phải là huyễn ảo. Vì chúng ta đang coi vạn pháp đều là thực chắc nên chướng ngại cũng trở nên rất thực chắc, khiến chúng ta không thể trưởng dưỡng được tình yêu thương và lòng bi mẫn. Chúng ta hiện chỉ có tình yêu thương có điều kiện mà chưa trưởng dưỡng được tình yêu thương vô điều kiện. Ví dụ như khi chúng ta gán ghép khái niệm “đẹp” cho một đối tượng, vọng tưởng đó tác động trở lại tâm chúng ta, và chúng ta bắt đầu yêu thương đối tượng đó. Nhưng đối với những người hoặc vật khác thì chúng ta không thấy yêu thương họ, vì chúng ta gặp phải chướng ngại là chưa gán ghép khái niệm “đẹp” cho họ, hoặc ngược lại, còn gán ghép cho những đối tượng đó khái niệm “xấu”. Chúng ta không yêu thương những đối tượng đó do họ xấu xí. Đây chính là chướng ngại đối với việc thực hành tình yêu thương và lòng bi mẫn vô điều kiện.  

 

Danh ngôn, khái niệm

 

 

Việc gán ghép danh ngôn, khái niệm cho vạn pháp là điều rất dễ hiểu. Ở đây tôi chỉ muốn nhắc lại. Ví dụ như về tình yêu thương có điều kiện là việc chúng ta gán ghép cho một người nào đó khái niệm “đẹp” và rồi bắt đầu yêu thương người đó. Làm thế nào chúng ta biết mình đang vọng tưởng, gán ghép khái niệm? Điều đó rất đơn giản: sau một vài ngày hay một vài tháng, chúng ta sẽ nhận ra là mình đã nhầm khi nghĩ như vậy - người đó không đẹp mà lại còn khiến mình khó chịu. Điều này có nghĩa chúng ta đã thực sự gán ghép một khái niệm, vọng tưởng, và rồi thấy yêu thương đối tượng được gán ghép đó. Khi nhận ra khái niệm gán ghép đó là sai lầm, chúng ta lại muốn gán ghép một khái niệm khác, ví dụ như “xấu”. Thế nên chúng ta gán ghép tầng tầng, lớp lớp những khái niệm cho vạn pháp.

 

 

Khi gán ghép các khái niệm, thỉnh thoảng chúng ta có thể nhầm lẫn như việc nói rằng một người có ngoại hình xinh đẹp nhưng tâm người đó thì không đẹp vì chứa đầy ghen tỵ, sân giận… Nhưng việc gán ghép những khái niệm như vậy còn mạnh đến mức có thể thay đổi cả cách nhìn của chúng ta về diện mạo của người đó. Nếu chúng ta không ưa thì một người dù có xinh đẹp cũng không được chúng ta yêu thích: “Cách đây vài ngày tôi có gặp một cô gái xinh đẹp. Chúng tôi đã bắt đầu tìm hiểu nhau nhưng bây giờ tôi thấy cô ấy rất xấu xí chứ chưa nói gì đến tính cách. Tại sao tôi lại dại dột nghĩ là cô ấy đẹp cơ chứ?”. Ví dụ này cho thấy chúng ta đã gán ghép những khái niệm cho một người rồi mù quáng chạy theo các khái niệm gán ghép đó, chúng ta bị vô minh sâu dày che chướng đến mức mù quáng, thậm chí nhiều khi còn bị ảo tưởng. Vì vô minh mà chúng ta bị mắc bẫy lúc nào không hay. Đó là lý do tại sao chúng ta cần được giải thoát khỏi các xúc tình phiền não và thái độ gán ghép vọng tưởng. Chúng ta không muốn còn tâm phân biệt nhị nguyên mà chỉ muốn có quan kiến đúng đắn từ góc độ giải thoát.

 

Vạn pháp không như những gì chúng ta vọng tưởng

 

 

Chúng ta hãy tìm hiểu cuộc sống của bản thân kể từ khi còn bé đến nay xem mình đã làm những gì vô minh. Việc tìm hiểu này sẽ cho biết rằng chúng ta còn chưa đạt được giải thoát, vẫn còn chịu sự chi phối của vô minh, thế nên đã phạm phải nhiều sai lầm, nhiều lần vấp ngã, mà không hề có quyền lựa chọn.

 

Đó cũng là lý do chúng ta cần thực hành hoặc chí ít cũng nên tìm hiểu về Trí tuệ Bát nhã từ đời sống thường nhật. Chúng ta không muốn chung sống với thân, khẩu, ý vô minh và để chúng tiếp tục lừa dối sai sử nữa. Vì thế chúng ta cần thực hành thiền quán.

 

 

Trên phương diện thực hành, chúng ta cần trưởng dưỡng Bồ đề tâm, tình yêu thương và lòng bi mẫn để không gặp chướng ngại trên con đường tu tập. Điều này cũng sẽ rất hữu ích khi chúng ta hiểu rằng không chỉ “Sắc tức là Không”“Không tức là Sắc”. Hiểu biết và sự thực chứng đó rất hữu ích cho việc trưởng dưỡng lòng bi mẫn và tình yêu thương vì việc này sẽ tự nhiên đạt kết quả. Đây là cách vận hành của hợp nhất - Sắc tức là Không, Không tức là Sắc. Đó là lý do tại sao tôi nói Sắc không nhất thiết có nghĩa là rỗng không, tựa như cái cốc khi không còn nước, hay hội trường này khi không có người. Chúng ta không nên hiểu thành không có gì. Khi chúng ta nói đến Không thì có nghĩa là vạn pháp không tồn tại như vẻ bề ngoài của chúng; vẻ bề ngoài của vạn pháp chỉ là vọng tưởng, danh ngôn, khái niệm do chúng ta gán ghép mà thôi. Vạn pháp không giống như những gì chúng ta gán ghép nên vạn pháp là Không, nhưng không nhất thiết là rỗng không tựa một chiếc cốc không còn nước hay căn phòng này không có người.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,143,098
Số người trực tuyến: