Bạn đang ở đây
Thực hành tỉnh thức trong cuộc sống hằng ngày
Cuộc sống là giáo pháp vĩ đại
Từ góc độ trưởng dưỡng tâm thiền định, chúng ta cần làm quen với đời sống hàng ngày theo quan kiến Trí tuệ Bát nhã. Nói cách khác thì mọi khía cạnh đời sống luôn chỉ dạy cho chúng ta thấy Trí tuệ Bát nhã. Thế nhưng hiện tại chúng ta chưa chứng ngộ điều đó bằng thực hành thiền quán. Chúng ta cần hiểu cuộc sống thực sự là một bậc thầy và giáo pháp vĩ đại. Đây là nội dung chúng ta cần làm quen. Chúng ta thường bàn về tỉnh giác, chính niệm và những thứ liên quan đến chủ đề này song lại không thực sự biết giác tỉnh là gì, giác tỉnh bên ngoài hay bên trong thực tế là gì.
Một số người hỏi: “Tôi cần giác tỉnh về cái gì? Liệu chúng ta cần tỉnh giác về những suy nghĩ hay những thứ xuất hiện từ suy nghĩ đó?” Họ cho rằng việc duy trì tỉnh giác là phiền phức hoặc không có nhiều ý nghĩa. Ngay khi nghĩ rằng giác tỉnh không có ý nghĩa thì thiền quán cũng không còn ý nghĩa.
Theo một số khai thị thực hành thiền thì hành giả luôn cần duy trì sự tỉnh giác. Tôi nghĩ việc chúng ta có thể tỉnh giác về mọi việc, trong từng phút giây cuộc sống, tỉnh giác về các suy nghĩ, tác động và chuyển động của các suy nghĩ là điều rất có ích… Nhưng theo kinh nghiệm của tôi thì chúng ta cần đặc biệt tỉnh giác về việc những gì đang diễn ra trong cuộc sống. Nói cách khác, tôi muốn các bạn thực sự tỉnh giác khi trải nghiệm những thời điểm quan trọng như buồn, vui, tuyệt vọng hoặc những xúc tình khác. Đó là những thời điểm quan trọng mà chúng ta cần tỉnh giác, và chúng ta sẽ có sự tỉnh giác nếu tiếp tục thực hành kỹ năng thiền.
Việc này hơi giống với câu chuyện con gà hay quả trứng có trước. Để đạt được sự giác tỉnh thoát khỏi khổ đau vào những thời điểm quan trọng trong cuộc đời, chúng ta cần trưởng dưỡng kỹ năng tỉnh thức trong mọi hoạt động thường ngày. Nếu chúng ta mới thực hành nội dung này, việc áp dụng tỉnh giác vào thời điểm quan trọng sẽ dễ dàng hơn nhiều vì những thời điểm đó sinh động và rõ ràng, dễ nhận thấy hơn so với từng giây hay từng chuyển động trong suy nghĩ của chúng ta. Sở dĩ khó áp dụng vào các thời điểm thông thường vì những người mới tu tập còn chưa nhận ra được, thế nên cần tập trung vào những niềm vui hoặc nỗi buồn lớn. Chúng ta cần tỉnh giác về hai giai đoạn này hơn so với các trạng thái thông thường của tâm. Vì thế khó nói là trong hai thứ này, thứ nào xuất hiện trước, nhưng hiển nhiên là chúng đều rất cần thiết. Chúng ta rất cần tỉnh giác trong đời sống thường ngày.
Thực hành giác tỉnh với cuộc sống thường ngày
Theo kinh nghiệm của tôi, việc tỉnh giác về các biến động rõ nét nói trên trong cuộc sống là điều thú vị. Sự tỉnh giác như vậy thực sự giúp chúng ta chủ động tự tại trước những biến động dù lớn hay nhỏ trong cuộc đời. Ví dụ như khi có một biến động lớn, tâm trí chúng ta trở nên bấn loạn, xa rời với thực tại và không còn biết phải làm gì. Chúng ta bị biến động đó chi phối hoàn toàn và đổ vỡ về mặt cảm xúc. Chúng ta có thể ngăn ngừa việc đó nhờ trí tuệ giác tỉnh về tính không hay Trí tuệ Bát nhã.
Ví dụ như trong Kim cương thừa có pháp thực hành thiền được gọi là quán tưởng. Với sự trợ giúp của quán tưởng, chân ngôn, phóng quang đến một đối tượng khác, thực hiện các cúng dàng… trí tuệ tỉnh giác được rèn giũa sắc bén. Hiện giờ, trí tuệ tỉnh giác tâm linh của chúng ta còn rất kém, thế nên chúng ta cần rèn giũa trí tuệ đó. Tôi không biết những nội dung thực hành có tác dụng đối với các bạn đến mức nào vì điều đó phụ thuộc vào quá trình trưởng dưỡng của từng người - đối với một số người thì những nội dung thực hành đó có tác dụng, với những người khác thì lại không. Có thể điều này đến từ việc ban đầu họ chưa có hiểu biết về Trí tuệ Bát nhã. Thế nên dù họ có thực hành nội dung quán tưởng hay trì tụng chân ngôn nào đi nữa cũng chưa thực sự có tác dụng, mặc dù họ có thể đạt được thành tựu ở một mức độ nhất định.
Tôi đang muốn nhấn mạnh là hiểu biết về Trí tuệ Bát nhã cần được trưởng dưỡng từ khi phát nguyện Bồ đề tâm đến khi chứng đắc giác ngộ. Việc tỉnh giác về đời sống bản thân cùng với hiểu biết về Trí tuệ Bát nhã có vai trò rất quan trọng. Ví dụ như khi chúng ta nghĩ hoặc trải nghiệm những thay đổi trong đời sống, chẳng hạn như từ vui chuyển sang buồn, và ngược lại, cũng như nhiều hoàn cảnh biến động như phải rời xa gia đình hay bạn bè. Dù chúng ta thích hay không nhưng việc này vẫn liên tục diễn ra. Một ví dụ khác là những thay đổi trong không gian và thời gian: Mặt trời mọc vào buổi sáng và lặn vào chiều tối, hay bốn mùa liên tục nối tiếp nhau. Khi trải qua những thay đổi trong đời sống của bản thân hay thay đổi ở môi trường bên ngoài, chúng ta cần tự nhủ với bản thân: “Nhìn kìa! Đang có sự thay đổi”, vì vạn pháp là vô thường và là Trí tuệ Bát nhã; vạn pháp không có sự tồn tại mãi mãi. Vì vạn pháp là vô thường nên vạn pháp liên tục thay đổi, dù đó là những cảm xúc của bản thân chúng ta hay thời tiết, thời gian. Mọi thứ đều thay đổi. Chúng ta cần áp dụng hiểu biết đó nhưng không chỉ là lưu giữ trong đầu mà cần áp dụng vào những chuyển động vi tế của bản thân. Đó chính là chỗ chúng ta rất cần đến trí tuệ tỉnh giác.
Vạn pháp nêu biểu cho tính không
Mọi sắc tướng các bạn đang nhìn - các bức tranh thangka, bức tường trống, hay bất kỳ thứ gì khác - có ý nghĩa gì đối với các bạn? Đối với những người thông thường thì mọi thứ họ nhìn thấy đều không có ý nghĩa gì khác ngoài khái niệm chúng ta thường gán ghép cho chúng. Họ không thể hiểu sâu hơn về những thứ mà họ nhìn thấy. Cách nhìn này chính là vô minh. Vì không muốn mãi vô minh như thế nên khi nhìn mọi sự vật, hiện tượng, chúng ta cần tìm hiểu xem chúng nêu biểu cho điều gì. Vạn pháp nêu biểu tính không. Vạn pháp nêu biểu Trí tuệ Bát nhã. Đây là nội dung thực hành thiền căn bản. Chúng ta cần thực hành thong thả nhưng quán chiếu sâu xa về ý nghĩa này.
Thực hành quán chiếu vạn pháp là phương tiện thiện xảo vĩ đại để cắt đứt bản ngã. Tuy nhiên, điều này lại rất khó vì vạn pháp đều có vẻ sinh động như thể chúng tồn tại thực chắc trước mắt hay trong suy nghĩ của chúng ta. Việc coi vạn pháp là thực chắc có nguyên nhân từ sự vô minh chấp trước sâu dày. Vì vạn pháp bên ngoài có tác động mạnh mẽ đến việc thiền nên mọi người luôn cần phải nhắm mắt để vạn pháp bên ngoài không chi phối, và nhờ đó họ thấy tập trung thiền hơn. Ngay khi họ mở mắt thì không còn thiền được nữa, và khi nhắm mắt thì họ lại thiền được. Đó là lý do tại sao mọi người thích nhắm mắt khi thực hành thiền. Điều này không sai nhưng có thể là do tác động của vạn pháp bên ngoài.
- 2685 reads