Bạn đang ở đây
Tịnh hóa khí mạch nhờ Thực hành Chân ngôn
Việc tu tập chân ngôn có mục đích để tịnh hóa tất cả những khẩu nghiệp đã tạo trong đời này cũng như vô số đời trước. Tại sao chúng ta bị nhiều người nói xấu, tại sao không ai khen mình một câu mà chỉ đặt thêm điều tiếng, tại sao khẩu nghiệp của mình nói ra không lưu loát, rõ ràng, tại sao lời nói của ta không hiệu lực, thuyết phục? Rồi tại sao trong người chúng ta khí mạch không được khỏe mạnh? Tất cả điều này liên quan đến quả nghiệp hay khẩu nghiệp đã chín thành quả. Mục đích tu tập chân ngôn là để tịnh hóa tất cả các ác nghiệp về khẩu đang chín muồi này và chấm dứt được nguyên nhân gây ra chúng. Cho nên phương pháp chính là lấy chân ngôn để tịnh hóa.
Bát nhã tâm kinh do Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa chấp bút
Chân ngôn chính là Khẩu giác ngộ
Nếu ai có động cơ thanh tịnh đón nhận pháp khẩu truyền đúng pháp sẽ được tịnh hóa về khẩu nghiệp và khí mạch bệnh tật rất nhanh chóng. Chân ngôn rất có hiệu lực vì dựa trên nền tảng tự tính bình đẳng, lại được chư Phật, Bồ tát, các bậc giác ngộ tuyên thuyết, đây không phải là ngôn ngữ thế gian. Bởi vì lòng từ bi, trí tuệ cho nên chư Phật phải thể hiện rất nhiều các dạng, hình tướng Bản tôn An bình hay Uy mãnh, các màu sắc, các tư thế khác nhau nêu biểu các phẩm chất từ bi hỉ xả, trí tuệ giác ngộ, hạnh phúc để chúng ta tu tập, kết nối. Có hình ảnh để chúng ta tạo công đức và trở về tự tính giác ngộ. Các Ngài cũng tạo ra chân ngôn hay ngôn ngữ giác ngộ, không phải ngôn ngữ thế gian thông thường như chúng ta, để kết nối.
Nếu chúng ta vào chùa tụng niệm khấn vái theo kiểu thế gian thì càng cầu càng tạo nghiệp. Bởi vì Đức Phật hiểu được căn cơ chúng sinh, biết nếu như chúng ta cứ tiếp tục cầu như vậy chỉ tạo thêm phân biệt nhị nguyên và chỉ thêm tham, sân, si, nên các Ngài tạo ra một câu chân ngôn, có ý nghĩa là “bảo hộ tâm” để cái tâm chúng ta không tạo nghiệp tham sân si nữa. Điều này cũng giống như chúng ta bắt đúng sóng vô tuyến, khi bấm đúng kênh lập tức chúng ta sẽ bắt được sóng. Việc trì tụng chân ngôn đúng cách cũng phát ra hiệu lực lập tức kết nối với sóng năng lực bi nguyện của chư Phật, đây là ví dụ của sự đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.
Diệu dụng của Chân ngôn dựa trên 4 điểm sau:
Thứ nhất, chân ngôn có hiệu lực tịnh hóa bởi vì tự tính bình đẳng.
Thứ hai, vì lòng từ bi của chư Phật cho nên mỗi Chân ngôn Mật ấn, sắc thân của Phật đều có những công dụng riêng để viên mãn, chữa lành những căn bệnh, chướng ngại của chúng ta.
Thứ ba, vì chân ngôn do Đức Phật thuyết giảng, không phải ngôn ngữ thế gian, không phải do chúng ta tự tạo cho nên đấy là Khẩu giác ngộ của Phật và là Trí tuệ Phật.
Thứ tư, Chân ngôn có thể viên mãn mọi tâm nguyện vì là tự tính Phật, do Đức Phật và các bậc thầy giác ngộ tuyên thuyết. Vì lưu xuất từ tâm nguyện từ bi của Phật cho nên thực hành Chân ngôn sẽ đạt được năng lực không thể nghĩ bàn.
- 3861 reads