Bạn đang ở đây
Vì sao Bát nhã tâm kinh phủ nhận trí tuệ và thành tựu Niết bàn?
Tất cả giáo pháp của Đạo Phật, cho dù thuộc tông phái nào, đều tập trung chủ yếu vào trí tuệ nhằm chiến thắng vô minh, vì vô minh là nguồn gốc tạo ra đau khổ. Trong Tứ Diệu Đế, chính kiến là yếu tố đầu tiên của con đường Bát Chính Đạo dẫn đến đoạn tuyệt khổ đau. Trong Mười hai nhân duyên, chấm dứt vô minh là phương cách dẫn đến chấm dứt đau khổ. Và tất nhiên, Bát nhã là trí tuệ cao nhất. Mục đích tối thượng của Đạo Phật là “vượt qua bờ bên kia”, đạt đến giác ngộ. Nhưng giờ đây Bát nhã phủ nhận cả trí tuệ và thành tựu (Niết bàn). Đây là một cách khác để nói rằng không có giáo pháp nào cả - như sự phủ nhận hoàn toàn tất cả các giáo pháp.
Không có trí tuệ cũng không có chứng đắc.
Bản chất của giáo pháp là vô thường
Chúng ta cần nhớ rằng, trong Bát nhã, cách nói phủ định và khẳng định là như nhau - “Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc. Sắc tức là Không, Không tức là Sắc” - phủ định là khẳng định, khẳng định là phủ định. Và vì thế, Bát nhã khẳng định vạn pháp đều có tự tính là trí tuệ.
Nhìn ra biển, nếu chỉ chú tâm vào nước, ta có thể nói rằng sóng không hiện hữu - sóng chỉ là chuyển động của nước. Tuy nhiên, nếu chỉ chú tâm vào sóng thôi, ta có thể nói sóng thực sự hiện hữu, dù chỉ trong thoáng chốc. Vì thế, khi chú tâm vào Không, ta nói: “Trong Không chẳng có giáo pháp nào”. Nhưng nếu chú tâm vào giáo pháp, ta lại nói: “Đúng là có những giáo pháp, nhưng chúng là vô thường. Bản chất của những giáo pháp đó là Không”.
Sự tập trung mạnh mẽ vào Không trong Bát nhã là một cách nói thực tiễn để tập trung tư tưởng của chúng ta vào vô thường. Việc khẳng định lẽ vô thường của giáo pháp có nghĩa là: “Đúng là có những giáo pháp. Hãy học tập và thực hành chúng. Nhưng chúng cũng chỉ vô thường, là nhất thời. Vì thế đừng bị chấp vào các giáo pháp đó”.
Vậy, nói một cách ngắn gọn:
Thứ nhất, mỗi giáo pháp kể trên đều quan trọng, xứng đáng được nhắc đến đích danh và đặc biệt trong Bát Nhã Tâm Kinh. Vì thế, hãy tu học và thực tập từng giáo pháp một cách nghiêm túc.
Thứ hai, mỗi giáo pháp cũng đều vô thường và nhất thời, chỉ là phương tiện giúp chúng ta đạt được mục đích giác ngộ. Vì thế, đừng bám chấp đơn thuần vào giáo pháp mà hãy suy ngẫm, quán chiếu, vận dụng giáo pháp một cách linh hoạt trong cuộc sống để có được lợi ích giải thoát.
Thứ ba, giáo pháp là phương tiện tạm thời giúp chúng ta đạt được giác ngộ, như chiếc bè dùng để qua sông. Khi đã vượt qua tới bờ bên kia rồi thì đừng tiếp tục mang theo chiếc bè trên vai.
Niết bàn luôn thường trụ
Tất cả giáo pháp là để giúp hành giả tu tập đạt đến giác ngộ, Niết bàn. Nhưng Niết bàn là gì? Niết bàn (Nirvana) nghĩa là tâm hoàn toàn thanh tịnh, tâm tuyệt đối không còn dính mắc, tâm nhìn thấy tất cả mọi thứ nhưng không dính mắc vào bất cứ thứ gì, tâm của Không.
Tâm chứng ngộ tính không là bản thể của vạn pháp, tức tự tính tâm chân thật. Tính không là tuyệt đối, chẳng bao giờ sinh ra, chẳng bao giờ mất đi, chẳng bao giờ dơ, chẳng bao giờ sạch, chẳng bao giờ tăng, chẳng bao giờ giảm, tự tính thanh tịnh tuyệt đối. Tính không còn được gọi là chân như hay Phật tính. Phật là tâm đã chứng ngộ tự tính chân thật đó. “Minh tâm kiến tính thành Phật” có nghĩa là soi sáng tâm, nhìn thấy bản chất chân thật, trở thành Phật.
Nhưng có phải là tâm này trong thực tế đã chuyển từ tâm của một người bình thường thành Phật? Điều này vừa đúng vừa không đúng. Đúng theo chân lý tương đối. Nếu tư duy theo một dòng thời gian có quá khứ, hiện tại và tương lai, thì đúng là tâm này sẽ chuyển từ tâm vô minh thành tâm giác ngộ. Tuy nhiên, đứng trên quan điểm chân lý tuyệt đối, tâm chẳng trở thành gì cả. Tâm luôn thường trụ, luôn là tính không. Vì vô minh chưa chứng ngộ tự tính, khi đã giác ngộ thì thấy được tự tính, chứng ngộ tính không. Chỉ vậy thôi. Tâm chẳng trở thành điều gì khác tốt hơn hay cao hơn.
Vô minh tạo thành bức màn ngăn cản tầm nhìn của tâm. Vì thế, tâm không thể trải nghiệm tự tính rõ ràng. Khi tâm không còn dính mắc, bức màn vô minh được gỡ bỏ, tâm hiển lộ tự tính giác ngộ. Đến lúc đó, tâm trở về bản chất chân thực là Không, là thanh tịnh tuyệt đối, là Niết bàn, là Phật.
Niết bàn luôn thường trụ, Phật luôn thường trụ. Vấn đề là ta có nhận thấy hay không. Vì thế, thực ra không có việc trở thành Phật, cũng không có thành tựu giác ngộ, không có dòng sông nào để vượt qua, không có sự vượt qua. Phật vốn luôn thường trụ.
Chúng ta hãy lưu ý về “cái thấy”. Khi nói rằng ta thấy tâm chính là Không, chúng ta có thể nghĩ về “thấy” như một chức năng của tri thức, khả năng nhận thức của bộ óc đem lại hiểu biết. Nhưng cái thấy chân thực không phải là tri thức hiểu biết phân biệt thông thường. Khi chúng ta nói về cái thấy chính là tính thấy và trí tuệ hiểu biết giác ngộ, chúng ta nói về một kinh nghiệm giác ngộ hoàn toàn, liên quan đến tất cả mọi phương diện của đời sống tinh thần - một sự chuyển hóa trọn vẹn, một sự tái sinh toàn bộ, trưởng dưỡng tâm tới tầm cao hoàn toàn mới của sự thấy nghe hay biết, tư duy và hành động.
Đây là sự giác tỉnh trọn vẹn, không thể đạt được bằng tri thức thông thường - tức là không thể đạt được chỉ bằng tụng kinh và đọc triết lý Phật pháp. Con đường thực hành Phật pháp để đạt đến sự tỉnh thức hoàn toàn này bao gồm ba yếu tố chính: Giới, Định và Tuệ, còn được gọi là Tam học. Đạo Phật không chỉ là một triết lý tri thức mà thực sự là nghệ thuật sống bao hàm toàn diện.
- 3377 reads