Ba cấp độ lòng từ bi trong Pháp tu Quan Âm | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Ba cấp độ lòng từ bi trong Pháp tu Quan Âm

1543
18/04/2022 - 14:50

(Hướng dẫn thực hành Nghi quỹ Phật Bản tôn Quan Âm Trì Tháp)

 

CRW_7819.jpg

 

Toàn bộ tinh túy giáo pháp mà Đức Phật đã thuyết giảng trong 49 năm không hướng đến các mục đích khác nhau mà chỉ nhằm hiển bày Bản tâm giác ngộ - vạn pháp duy tâm. Đức Phật không nói về điều huyền bí xa xôi ở ngoài thân tâm mỗi người mà chỉ khai thị, chỉ bày khả năng giác ngộ, tình yêu thương, lòng từ bi trí tuệ sẵn có nơi chúng ta. Chính vì vậy, để nhận được chân hạnh phúc hay gọi cách khác là lòng từ bi, tình yêu thương, Đức Phật đã phải giảng dạy bằng nhiều cách thức và phương tiện khác nhau, tóm gọn trong ba cấp bậc.

 

Cấp bậc thứ nhất: nhận biết về khổ

 

5325023-alone-wallpapers.jpg

 

Cấp bậc thứ nhất yêu cầu mọi người thực hành để trưởng dưỡng tình yêu thương trí tuệ. Nói cách khác, giác ngộ cần trải nghiệm qua nhận biết về sự khổ ở nơi thân, tâm và cảnh. Tại sao lại khổ? Bởi vì từng giây phút, sát na trong cuộc sống, thân tâm của chúng ta đều biến dịch vô thường. Đã là vô thường thì sự vật thay đổi, tâm thay đổi và cảnh sống cũng không ngừng thay đổi. Điều này dẫn đến sự bất mãn, tuyệt vọng và kết quả là khổ.

 

Cấp bậc thứ hai: nguyên nhân của khổ

 

 

Chúng ta phải hiểu được nguyên nhân của những nỗi khổ này từ đâu. Tại sao chúng ta phải gánh chịu những số phận nghiệt ngã khác nhau, những hoàn cảnh éo le trái ngược khác nhau? Hầu như trong đời sống, thân và tâm chúng ta chưa bao giờ thỏa mãn. Lý do ở chỗ, chúng ta đã hiểu sai về chân tâm và tiềm năng của những phẩm chất được gọi là tình yêu thương, từ bi, bác ái sẵn có nơi mình. Thực tế, chân hạnh phúc vốn có ở nơi tự tâm mình nhưng chúng ta lại không hiểu điều này. Chính vì sự lầm hiểu đó mà chúng ta để tham sân si dẫn dắt, chi phối tạo ra nghiệp lực.

 

Chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh giải thích trong Bảng luân hồi. Ở trục trung tâm, tức là tâm của chúng ta, vốn không hình tướng nhưng tạo nên những hành động tạo tác và cảnh song trong sáu đạo luân hồi. Xuất phát từ sự hiểu lầm cho nên thân khẩu ý tạo tác nghiệp thiện ác. Đã có nghiệp thiện ác thì còn trôi lăn trong sáu đạo luân hồi: ngã quỷ, địa ngục, súc sinh, trời, người, Atula. Tất cả cảnh sống đó chỉ là sự trả vay nhân quả sinh tử, đều có nguồn gốc từ tham sân si. Đấy là điểm thứ hai và là nền tảng các Phật tử cần hiểu.

 

Cấp bậc thứ ba: rèn luyện Thân - Khẩu - Ý

 

 

Điều thứ ba phải hiểu là khi thoát khỏi những khổ đau và nguyên nhân của khổ đau đó thì chúng ta đạt được điều gì? Đó là chân hạnh phúc, hay gọi cách khác là Tình yêu thương, là Trí tuệ giác ngộ. Khi biết được đích đến là tìm ra chân hạnh phúc, trưởng dưỡng trọn vẹn tình yêu thương, lòng từ bi, những khả năng thực sự vốn có nơi tự thân thì chúng ta phải tìm ra con đường thực hành Phật pháp và cách thức đi như lời Đức Phật dạy - đó là thông qua rèn luyện thân khẩu ý.

 

Đạo Phật gọi đó là Tứ Diệu Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Đế ở đây là trí tuệ - chân lý.

- Khổ đế là chân lý thấy rõ sự Khổ.

- Tập đế là chân lý thấy rõ nguyên nhân của Khổ.

- Diệt đế là cảnh giới chân hạnh phúc, giải thoát giác ngộ.

- Đạo đế là cách thức chứng đạt giác ngộ.

 

Như vậy, bước đầu tiên là để thoát khỏi mọi nhân đau khổ. Kế đến, khi thoát được nhân đau khổ rồi, mặc dù cuộc sống là vô thường, vô ngã, biến dịch thay đổi, nhưng trong sự thay đổi đó có một chân hạnh phúc thường còn, có Phật tính sẵn nơi chính mình mà chúng ta có thể làm hiển lộ. Đây chính là điều quý giá nhất trong cuộc đời này.

 

 

Cho nên việc thứ hai là chúng ta phải trưởng dưỡng được nhân hạnh phúc và quả của hạnh phúc ngay trong đời sống này, trong từng giây phút đang trôi qua mà dường như chúng ta không nắm bắt được. Để được như vậy, chúng ta phải vun trồng hạnh phúc cho bản thân bằng cách trưởng dưỡng Bồ đề tâm. Nói cách khác, đó chính là sự thực hành phát triển tình yêu thương, lòng bi mẫn, về những phẩm chất giác ngộ dựa trên trí tuệ tính không.

 

Cấp độ này trong Đạo Phật gọi là Đại thừa Phật giáo. Và khi đã hiểu nguyên nhân đau khổ, chúng ta phải tìm phương cách nhanh chóng, không trì hoãn để tiêu trừ chướng ngại, có đầy đủ trí tuệ và thành tựu giác ngộ, nói cách khác là ta phải tìm được chân hạnh phúc ngay trong cuộc đời này. Đó là phương tiện thiện xảo hay cấp độ thực hành Kim Cương thừa.

 

~ Trích ấn phẩm Đức Phật Quan Âm - Thần lực Đại bi gia trì, Drukpa Việt Nam biên soạn
 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,131,539
Số người trực tuyến: