Chân ngôn Đại Bi: diệt trừ 84 phiền não chướng ngại nơi thân tâm | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Chân ngôn Đại Bi: diệt trừ 84 phiền não chướng ngại nơi thân tâm

3547
04/10/2017 - 08:40

Quan Âm Đại Bi Tâm Đà La Ni

 

 

Chân ngôn Đại Bi (Nilakantha Dharani) của Đức Quan Âm được biết đến và trì tụng rộng  rãi trong mọi truyền thống Phật giáo gồm cả Kinh thừa và Mật thừa. Chân ngôn này nằm trong Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ tát Quảng Đại Viên Man Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni, do chính Đức Phật Thích Ca diễn nói trong một pháp hội trước mặt đông đủ các vị Bồ tát, Thanh văn, Thánh chúng, Trời, Thần, Thiên Long, các Đại Thánh Tăng như Ma Ha Ca Diếp, A Nan… tại núi Bồ Đà Lạc Ca (Potalaka), trụ xứ của Đức Quan Âm Bồ tát. Trong Kinh chép rằng, Đức Phật bảo Tổng Trì Vương Bồ tát: “Thiện nam tử! Các ông nên biết rằng, nay ở trong Pháp hội đây có một vị Đại Bồ tát tên là Quan Âm Tự Tại. Từ vô lượng kiếp đến nay đã thành tựu đại từ đại bi và khéo có thể tu tập vô lượng môn tổng trì. Ngài vì muốn các chúng sinh được sự an lạc nên đã bí mật phóng sức đại thần thông như thế”.

 

Khi Phật nói lời ấy xong, lúc bấy giờ Quan Âm Bồ tát từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa sang y phục, rồi hướng về Đức Phật, chắp tay và bạch rằng: “Bạch Thế Tôn! Con có Đại Bi Tâm Chú và bây giờ muốn tuyên thuyết, hầu khiến cho các chúng sinh được an lạc, tiêu trừ tất cả bệnh, được trường thọ và nhiều sự lợi ích; diệt trừ hết thảy nghiệp ác trọng tội, lìa khỏi chướng nạn, trong tất cả pháp được thanh tịnh và các công đức đều tăng trưởng; thành tựu hết thảy mọi can lành, xa lìa tất cả những việc hãi sợ, và nhanh có thể viên mãn đầy đủ tất cả các điều cầu mong. Kính mong Thế Tôn từ mẫn hứa khả”.

 

Chân ngôn Đại Bi có 84 câu, ý nghĩa mỗi câu tương ứng với mỗi hình ảnh Hóa thân khác nhau của Đức Quan Âm để đối trị, diệt trừ 84 phiền não chướng ngại nơi thân tâm cảnh mỗi chúng sinh.

 

 

Toàn bộ Chân ngôn được trình bày tiếng Phạn như sau:

 

“Namo Ratna Trayaya. Namo Arya. Valokite Svaraya. Bodhisattvaya. Mahasattvaya. Mahakarunikaya. Om. Sarva Raviye. Sudhanadasya. Namo Skrtva Imam Arya, Valokitesvara Ramdhava. Namo Narakindi. Hrih Mahavat Svame. Sarva Arthato Subham. Ajeyam. Sarva Sat Namo Vasat Namo Vaka. Mavitato. Tadyatha. Om Avaloki. Lokate. Krate. E Hrih. Mahabodhisattva. Sarva Sarva. Mala Mala. Mahima Hrdayam. Kuru Kuru Karmam. Dhuru Dhuru Vijayate. Maha Vijayate. Dhara Dhara. Dhrni. Svaraya. Cala Cala. Mama Vimala. Muktele. Ehi Ehi. Sina Sina. Arsam Prasali. Visa Visam. Prasaya. Hulu Hulu. Mara. Hulu Hulu Hrih. Sara Sara. Siri Siri. Suru Suru. Bodhiya Bodhiya. Bodhaya Bodhaya. Maitreya. Narakindi. Dhrsnina. Vayamana. Svaha. Siddhaya. Svaha. Mahasiddhaya. Svaha. Siddhayoge. Svaraya. Svaha. Narakindi. Svaha. Maranara. Svaha. Sira Simha Mukhaya. Svaha. Sarva Maha. Asiddhaya. Svaha. Cakra Asiddhaya. Svaha. Padma Kasiddhaya. Svaha. Narakindi Vagalaya. Svaha. Mavari Sankharaya. Svaha. Namo Ratna Trayaya. Namo Arya. Valokite. Svaraya. Svaha. Om Sidhyantu. Mantra. Padaya. Svaha”

 

Ý nghĩa của Chân ngôn Đại bi

 

 

Những diệu dụng của Chân ngôn này vô cùng thù thắng không thể nghĩ bàn, do nương nơi diệu dụng của tâm Đại từ bi, cùng đại nguyện lực và công đức tu tập vô lượng kiếp của Đức Quan Âm. Ngay cả đối với những kẻ phạm ác nghiệp nặng nề như thập ác, ngũ nghịch, hủy báng chính pháp, phá giới, phạm trai, hủy hoại chùa tháp, trộm của tăng kỳ, làm nhơ phạm hạnh…, nếu trì tụng chân ngôn Đại Bi với tâm tha thiết chí thành mong sám hối tội lỗi thì hết thảy tội lỗi đều được tiêu trừ. Những diệu dụng đó được ghi rõ trong Kinh như sau:

 
  1. “Nếu hàng trời người trì tụng Đại Bi Chương Cú, thì lúc gần mạng chung, mười phương chư Phật đều đến và cầm tay hành giả. Như họ muốn vãng sinh ở Phật độ nào thì sẽ tùy theo sở nguyện mà đều được vãng sinh”.

  2. “Nếu chúng sinh nào trì tụng Đại Bi Chân ngôn, như còn đọa ba đường ác, con nguyện sẽ không thành chính giác”.

  3. “Nếu chúng sinh nào trì tụng Đại Bi Chân ngôn mà chẳng được sinh ở quốc độ của chư Phật, con nguyện sẽ không thành chính giác”.

  4. “Nếu chúng sinh nào trì tụng Đại Bi Chân ngôn mà chẳng được vô lượng chính định và biện tài, con nguyện sẽ không thành chính giác”.

  5. “Nếu chúng sinh nào trì tụng Đại Bi Chân ngôn mà tất cả mọi điều cầu mong đều chẳng được toại ý ở trong đời hiện tại thì Chân ngôn này không gọi là Đại Bi Tâm Chú - Duy trừ bất thiện và không chí thành”.

  6. “Nếu người nữ nào nhàm chán thân nữ và muốn thành thân nam tử, họ trì tụng chương cú của Chú Đại Bi, như đời sau chẳng chuyển thân nữ thành thân nam, con nguyện sẽ không thành chính giác”

  7. “Nếu chúng sinh nào xâm chiếm cùng hao tổn tài vật và thức ăn, nước uống của Thường Trụ, dẫu một nghìn Đức Phật xuất hiện ở thế gian thì họ cũng chẳng có cơ hội sám hối. Dẫu có sám hối thì cũng chẳng diệt trừ. Nhưng nay, khi họ trì tụng Đại Bi Chân ngôn, tội ấy liền tiêu tan”.

  8. “Nếu có người nào xâm chiếm cùng hao tổn tài vật và thức ăn, nước uống của Thường Trụ, họ phải đối với mười phương chư đạo sư sám hối thì mới diệt trừ. Nhưng nay, khi họ trì tụng Chú Đại Bi, thì mười phương chư Phật liền đến chứng minh. Hết thảy tội chướng đều sẽ tiêu trừ”.

  9. “Tất cả nghiệp ác trọng tội, như là mười nghiệp ác, năm tội ngỗ nghịch, nhục mạ người khác, hủy báng Pháp, phạm trai phá giới, hủy hoại chùa tháp, trộm cắp đồ vật của chư Tăng, và làm ô uế người tu tịnh hạnh. Hết thảy đều sẽ diệt trừ”.

  10. “Duy trừ một việc, đó là với Chân ngôn này sinh lòng nghi, thì thậm chí tội nhỏ nghiệp nhẹ cũng chẳng được diệt mất, huống gì là trọng tội. Mặc dầu trọng tội tuy không lập tức diệt trừ nhưng họ vẫn có thể tạo nhân duyên thành Phật về sau”.

 

 

Hơn thế nữa, hàng trời người trì tụng Đại Bi Tâm Chân ngôn sẽ được 15 loại sinh tốt và không phải chịu 15 loại chết xấu.

Được 15 loại sinh tốt bao gồm:

 
  1. Mọi nơi sinh ra thường có bậc hiền quân.

  2. Thường sinh ở nước lành.

  3. Thường gặp thời đại tốt.

  4. Thường gặp bậc thiện hữu.

  5. Các căn luôn đầy đủ.

  6. Đạo tâm thuần thuc.

  7. Không phạm giới cấm.

  8. Quyến thuộc có ân nghĩa và hòa thuận.

  9. Tài vật ẩm thực luôn phong phú.

  10. Luôn được người khác cung kính trợ giúp.

  11. Tài bảo của họ chẳng bị người cướp đoạt.

  12. Mọi sự mong cầu đều được toại ý.

  13. Trời rong thiện thần thường hộ vệ.

  14. Mọi nơi sinh ra đều thấy Phật nghe Pháp.

  15. Khi nghe chính pháp liền liễu ngộ ý nghĩa thâm sâu.

 

Tránh được những loại chết xấu

 

Không chết do đói khát khốn khổ - Không chết do đánh đập lao tù - Không chết do oan gia kẻ thù - Không chết do quân trận tương tàn - Không chết do hổ sói thú dữ - Không chết do rắn độc bọ cạp - Không chết do nước dìm lửa đốt - Không chết do trúng phải thuốc độc - Không chết do trúng ngải làm hại - Không chết do điên cuồng loạn trí - Không chết do núi lở cây ngã - Không chết do ác nhân trù ếm - Không chết do tà thần ác quỷ - Không chết do ác bệnh ngặt nghèo - Không chết do tự sát tự tử.

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,115,799
Số người trực tuyến: