Hiểu biết về 3 khía cạnh của Đức Quan Âm: bên ngoài, bên trong và bí mật | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Hiểu biết về 3 khía cạnh của Đức Quan Âm: bên ngoài, bên trong và bí mật

1574
07/03/2022 - 16:50


“Khi bậc giác ngộ tu tập Trí tuệ Bát nhã thâm sâu, quán sát được bản chất thực tại, bậc đó nhận ra chính mình là Không, vì thế mà vượt qua mọi khổ đau”

 

 

Các danh hiệu và chân ngôn của Phật lưu xuất từ lòng từ bi của Bậc Giác ngộ. Để kết nối và giải thoát tất cả chúng sinh trong luân hồi, các Ngài luôn an trụ trong Trí tuệ Bát nhã mà thể hiện các Chân ngôn, Sắc tướng An bình - Uy mãnh khác nhau. Cho nên các hồng danh, chân ngôn, tán thán về công hạnh các Ngài không là gì khác ngoài Sắc thân giác ngộ, Khẩu giác ngộ và Công hạnh giác ngộ của Phật. Bằng cách niệm danh hiệu, trì tụng Chân ngôn, hình dung quán tưởng đến hình ảnh Phật, chúng ta sẽ kết nối với phẩm chất giác ngộ của chư Phật để hiển lộ phẩm chất giác ngộ nơi tự thân, cho nên kết quả cảm ứng diệu lực không thể nghĩ bàn. Nhờ thế, một cách tương đối, chúng ta có thể viên mãn mọi tâm nguyện hiện tại. Một cách tuyệt đối, chúng ta sẽ đạt được toàn giác của Thân - Khẩu - Ý một Đức Phật.

 

 

Về khía cạnh bên ngoài, Đức Quan Âm có vô số Ứng Hóa thân, vô số Pháp tướng Quan Âm để tùy duyên hóa độ chúng sinh. Ở khía cạnh bên trong Đức Quan Âm là tâm Từ bi, Bồ đề tâm hay phẩm chất giác ngộ mà chúng ta cần tu tập để thành tựu, thì Đức Quan Âm bí mật chính là Tự tính tâm, Đại Thủ Ấn, Pháp thân hay Trí tuệ Bát nhã. Trí tuệ Bát Nhã là bản thể của tất cả Hóa thân và Báo thân Quan Âm, là cội nguồn lưu xuất năng lực từ bi trí tuệ của hết thảy Ứng thân. Từ trí tuệ Pháp thân hay Đức Quan Âm tuyệt đối này, vì lòng từ bi Đức Quan Âm hiển lộ Sắc thân Bản tôn để chúng sinh tu tập quán tưởng thành tựu Hóa thân Phật. Cũng vì lòng từ bi mà Ngài thể hiện Chân ngôn để chúng sinh kết nối trì tụng thành tựu Báo thân Phật. Bởi vậy, chúng ta rất cần thấu hiểu trí tuệ này để có thể trải nghiệm và thành tựu Pháp tu Quan Âm.

 

Nói về Trí tuệ Bát nhã, có lẽ ai trong chúng ta cũng đều biết đến Bát Nhã Tâm Kinh. Đây là bài Kinh về tâm, nhưng không phải cái tâm suy nghĩ thường tình mà là Tâm giác ngộ “đáo bỉ ngạn” hay Trí tuệ soi thấu được cội nguồn bản chất mọi sự vật hiện tượng. Từ hàng ngàn năm qua, bài Kinh này là ngọn đuốc soi lối dẫn đường cho mọi hành giả tu Phật.

 

 

Bát nhã được phân làm ba loại: Văn tự Bát nhã, Quán chiếu Bát nhã, Thực tướng Bát nhã. Bài Tâm Kinh viết bằng tiếng Phạn hay đã dịch ra tiếng Hán, tiếng Việt… gọi là Văn tự Bát nhã. Thực tướng của Bát nhã thì không ba cũng không một. Nhưng phân ba là do tâm của chúng sinh. Do căn cơ chúng sinh cạn mỏng, chưa thể một bước vào thẳng Quán chiếu Bát nhã hay Thực tướng Bát nhã nên phải mượn ngôn từ chuyển tải mà thành Văn tự Bát nhã.

 

Nếu ngày đêm chỉ làm một việc là tụng Bát nhã, không cần hiểu cũng không cần thực hành, là ta đang ứng dụng Văn tự Bát nhã. Tuy chưa hiểu và thực hành theo những gì Kinh nói, việc tụng niệm vẫn mang lại ít nhiều lợi lạc cho mình. Kinh là giáo pháp được chính Đức Phật tuyên thuyết nhằm mục đích khai thị, chỉ bày Chân lý giúp chúng ta đạt được giải thoát, giác ngộ. Vì vậy, việc đọc tụng Kinh điển có rất nhiều lợi ích. Ngoài việc giúp huân tập Kinh điển vào tạng thức còn là bước đầu giúp ta quy hướng Phật đạo và giúp tâm ta an định phần nào. Nhờ vậy, nếu tụng bất cứ Kinh gì với tâm thành kính và tập trung, ta đều đạt được sự an lạc trong hiện tại.

 

 

Nếu không chỉ trì tụng mà còn hiểu được ít nhiều bài Kinh nói gì, là ta đang vận dụng Văn tự Bát nhã ở mức độ cao hơn. Đó là nhịp cầu giúp ta bước dần từ Văn tự Bát nhã sang Quán chiếu Bát nhã.

 

Để thực hành Quán chiếu Bát nhã và Thực tướng Bát nhã, hành giả cần tìm bậc Minh sư giác ngộ để tham học và tu tập thì mới có thể đi vào con đường chính đạo và đạt được giải thoát lợi ích bản thân và tất cả mọi người.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,141,264
Số người trực tuyến: