Khai mở Trí tuệ Bát nhã - Hợp nhất của Sắc và Không | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Khai mở Trí tuệ Bát nhã - Hợp nhất của Sắc và Không

4414
07/11/2021 - 19:00

 

Như Kinh Bát nhã đã giảng rất rõ, chúng ta nói cánh cửa vĩ đại dẫn đến việc chứng ngộ Trí tuệ Bát nhã là phải phá vỡ vọng tưởng về vạn pháp. Điều đầu tiên Kinh Bát nhã nói là “Sắc tức là Không”. Điều này không thực sự có nghĩa vạn pháp đều là không, chẳng có gì cả, hay chẳng có sắc tướng nào cả. Có thể đó là chân lý, nhưng không nhất thiết phải hiểu máy móc như vậy. Đức Phật đã giảng mọi sắc tướng đều là không. Nếu không mở được cánh cửa đó, chúng ta sẽ không đến được cảnh giới Trí tuệ Bát nhã.

 

Bát Nhã Tâm Kinh do Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa chấp bút

Chúng ta không dừng ở chỗ nói rằng Đức Phật đã giảng như vậy, hay Bát Nhã Tâm Kinh nói vậy, hoặc chúng tôi đã nghe giảng như vậy. Chúng ta cần trải nghiệm quán chiếu vạn pháp. Như tôi đã nói, khi các bạn nhìn vào tôi, các bức tranh thangka hay bất cứ thứ gì khác, dù các sắc tướng đó là gì đi nữa thì chúng ta cũng không nên coi chúng là quan trọng như vẻ bề ngoài của chúng. Người tu tập cần có sự quán chiếu sâu xa hơn về vạn pháp, hiểu rằng vạn pháp đều là không, đều không thực chắc như vẻ bề ngoài của chúng. Ví dụ như khi ngồi đây chúng ta thấy có những cột nhà, một bức tranh thangka, một bậc Thầy. Nhưng những gì chúng ta nhìn thấy đều không thực chắc như những danh ngôn, khái niệm mà chúng ta đang gán ghép cho chúng. Vạn pháp không tồn tại như vẻ bề ngoài của chúng. Đây là điều đầu tiên chúng ta cần hiểu. Đây chính là ý nghĩa của lời giảng Đức Phật về tính không: Đức Phật sử dụng từ “không” vì vạn pháp không giống như vẻ bề ngoài thực chắc của chúng.

 

Hai quan điểm cực đoan về vạn pháp

 

 

Giáo pháp trên cho chúng ta hiểu biết to lớn để vượt qua chướng ngại là việc bám chấp vào vọng tưởng cho rằng vạn pháp đều tồn tại thực chắc. Có hai quan điểm cực đoan.

 

- Quan điểm chấp thường cho rằng vạn pháp đều tồn tại thực chắc;

- Quan điểm chấp đoạn lại cho rằng vạn pháp không hề tồn tại.

 

Chúng ta không nên rơi vào một trong hai quan điểm cực đoan như vậy. Nếu chấp trước vào một trong hai quan điểm cực đoan đó thì chúng ta không còn là hành giả tâm linh nữa. Thế nhưng nhiều người lại có quan điểm rất cực đoan, và thường thì họ có quan điểm chấp thường, cho rằng vạn pháp đều tồn tại thực chắc. Người tu tập cần dựa vào con đường Trung đạo đã được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy để cân bằng giữa hai quan điểm cực đoan nói trên.

 

Câu đầu tiên Đức Phật dạy là “Sắc tức là Không”, sau đó Ngài lại dạy là “Không tức là Sắc”, để tránh mọi nguy cơ hiểu nhầm, đặc biệt là nguy cơ dẫn đến việc có quan điểm chấp đoạn. Đức Phật không muốn chúng ta hiểu nhầm về tính không trong thực hành giác ngộ.

 

 

Quán tưởng - phương pháp để trải nghiệm về tính không

 

Trong Kinh đã giảng như vậy và chúng ta cần hiểu theo cách trên. Tuy nhiên, việc tu học theo truyền thống Kim cương thừa không chỉ thể hiện qua cái nói hay suy nghĩ mà còn cần thông qua quán tưởng. Thực hành quán tưởng là một phương pháp đặc biệt của Kim cương thừa. Chúng ta có thể đã trải qua nhiều thực hành quán tưởng, ví dụ như quán tưởng Kim Cương Phật Mẫu Vajrayogini, quán tưởng Đức Quan Âm… Thực hành quán tưởng giúp chúng ta thoát khỏi những quan điểm cực đoan.

 

Nhờ hai câu nói trên, chúng ta biết được sự hợp nhất giữa Sắc và Không. Sự hợp nhất đó chính là Trí tuệ Bát nhã. Trí tuệ Bát nhã không chỉ là Không hay Sắc, mà là sự kết hợp của cả Không và Sắc.

 

 

Trí tuệ Bát nhã rất thâm diệu nhưng khó hiểu vì chúng ta thường không thấy được. Thế nhưng chúng ta không thể để chân lý đó ẩn tàng thêm nữa. Chúng ta cần làm hiển lộ Trí tuệ Bát nhã. Trí tuệ Bát nhã đã bị che phủ từ vô thủy đến nay. Bản thân Trí tuệ Bát nhã và hiểu biết về trí tuệ này là Trí tuệ thực sự. Trí tuệ Bát nhã không là gì khác ngoài đời sống của chúng ta, và đời sống của chúng ta không là gì khác ngoài Trí tuệ Bát nhã. Dường như chúng ta thường không hiểu về bản chất và thực tại cuộc sống. Đôi khi chúng ta cho rằng Trí tuệ Bát nhã là một điều vĩ đại, xa vời, là điều chúng ta cần học để có được. Trên thực tế, Trí tuệ Bát nhã không phải là thứ để học mà cần có trải nghiệm vì đó chính là đời sống. Vì thế tôi nói không thể để mặc cho Trí tuệ Bát nhã ẩn tàng mãi được nữa.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,129,698
Số người trực tuyến: