Choekhor Duchen - Ngày công đức tăng trưởng 10 triệu lần | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Choekhor Duchen - Ngày công đức tăng trưởng 10 triệu lần

2540
21/07/2023 - 16:31

Theo truyền thống Phật giáo Kim Cương thừa, Choekhor Duchen (nhằm vào ngày 4/6 theo lịch Kim Cương thừa, tức ngày 21/07/2023) là một trong những ngày cát tường của một năm mà mọi thiện nghiệp cũng như ác nghiệp đều tăng trưởng 10 triệu lần. Hãy cùng tích luỹ vô lượng công đức cho bản thân, gia đình và tất cả chúng sinh hữu tình bằng các thiện hạnh như hành hương về thánh địa, bảo tháp, cúng dàng hương thơm, cúng dàng đèn, phóng sinh, treo cờ cầu nguyện,... trong ngày đặc biệt này. 

Trong tiếng Tạng, Choekhor Duchen chính là ngày vía Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chuyển Pháp luân lần đầu tiên. Hết thảy mười hai công hạnh của Đức Phật siêu việt không thể nghĩ bàn, song quan trọng hơn hết vẫn là Công hạnh Chuyển bánh xe Pháp. Đây được coi là “Công hạnh Tối thượng” bởi nương vào giáo pháp do Đức Phật thuyết giảng, chúng sinh có thể được giải thoát. Bài kinh đầu tiên Ngài thuyết pháp là Kinh Chuyển Pháp Luân, trong đó Ngài dạy về Tứ Diệu Đế - bốn sự thật cơ bản về đời sống, gồm khổ, tập, diệt, đạo (có nghĩa là: khổ, nguồn gốc của khổ, sự chấm dứt khổ, con đường dẫn đến chấm dứt khổ). 

Xét một cách rốt ráo, tâm là nguồn gốc của mọi khổ đau và giải thoát. Đạo Phật chỉ cho chúng ta con đường giải thoát khỏi khổ đau bằng cách rèn luyện tâm thay vì cố gắng thay đổi thế giới bên ngoài, vốn là điều mà chúng ta không thể làm được. Tâm được chuyển hóa từ bên trong sẽ có tác động làm thay đổi thế giới bên ngoài.

Khổ

Sự thật đầu tiên là đời sống tràn đầy khổ đau. Nhìn chung, chúng ta có thể phân chia khổ thành các nỗi khổ về thể xác và các nỗi khổ về tinh thần: Khổ về thể xác bao gồm sinh ra, già, bệnh, và chết. Khổ về tinh thần bao gồm mất đi những gì ta thương yêu, gặp phải những gì ta chán ghét, và mong cầu mà không đạt được. Tuy nhiên, cũng có cái khổ gồm tất cả các nỗi khổ khác gộp lại - đó là cái khổ đến từ sự chấp vào cái tôi (bản ngã), coi bản ngã là một bản thể thường hằng, vĩnh cửu.

Nhưng vậy những thời gian vui vẻ mà ta có trong đời thì sao? Có phải là tiêu cực quá không khi định nghĩa cuộc đời chỉ là một bể khổ?

Đúng là cuộc sống hiện đại có nhiều thú vui hưởng thụ nhưng cũng có nhiều căng thẳng, mệt mỏi. Tuy nhiên, niềm vui và hạnh phúc thế gian đều bị vô thường chi phối, chỉ là giả tạm, là nguyên nhân của nỗi buồn hay đau khổ. Ngược lại, trí tuệ hiểu biết và sự thực hành Phật pháp sẽ chuyển hóa những khổ đau phiền não. Nhờ tu tập, tâm chúng ta sẽ thanh tịnh, điềm tĩnh, vượt lên trên những kích động của khổ đau và vui sướng. Tâm thanh tịnh, sáng suốt mang theo một niềm an lạc vô biên, vĩnh cửu, khác với hạnh phúc ngắn ngủi, giả tạm của những lạc thú thế gian.

Tập (Nguyên nhân của khổ)

Ham muốn, hay còn gọi là tham ái hay ái dục, gây nên đau khổ. Kinh Pháp Cú dạy rằng: “Ai sống trong đời này, bị ái dục buộc ràng, sầu khổ sẽ tăng trưởng, như cỏ bị gặp mưa”. Kinh Chuyển Pháp Luân đề cập đến ba dạng ham muốn: ham muốn những thứ thuộc về xác thịt (nhục dục), ham muốn chạy theo vật chất với ý nghĩ rằng cuộc sống không bao giờ kết thúc, và ham muốn hưởng thụ vật chất vì cho rằng chết là hết, chẳng còn gì nữa sau khi chết.

Diệt (Đoạn tuyệt khổ)

Bởi vì ham muốn là nguồn gốc của khổ đau, nên để giải thoát khỏi khổ đau, chúng ta cần “chấm dứt mọi ham muốn”. Chấm dứt ham muốn có nghĩa là đoạn tuyệt khổ đau, và vì thế, khi chấm dứt ham muốn chính là lúc đạt được Niết bàn.

Chúng ta cần lưu ý rằng giáo pháp Mười hai nhân duyên đã chỉ rõ vô minh là nguồn gốc của mọi khổ đau, và ham muốn là mắt xích thứ tám trong chuỗi nhân duyên. Giáo pháp Mười hai nhân duyên cũng cho thấy, muốn chấm dứt khổ đau, chúng ta phải chấm dứt vô minh (mắt xích đầu tiên). Nhưng ở đây trong Tứ Diệu Đế, để chấm dứt khổ đau, chúng ta cần chấm dứt ham muốn, có nghĩa là cắt đứt ngay giữa chuỗi nhân duyên, ở mắt xích thứ tám.

Điều này có một ứng dụng sâu sắc trong thực tế: Nếu có trí tuệ, chúng ta sẽ đoạn trừ được vô minh. Tuy nhiên, nếu chỉ đang trưởng dưỡng trí tuệ nội chứng, chúng ta vẫn có thể hạn chế khổ đau bằng cách tu tập theo các pháp môn phù hợp theo lời Đức Phật dạy. Phật tử thường nói “Có đến tám mươi bốn ngàn pháp môn”, đủ để mỗi người trên thế giới chọn một pháp môn tu học thích hợp với họ. Những pháp môn khác nhau được áp dụng cho những căn cơ khác nhau được gọi là “phương tiện”. Điều này giúp việc thực hành Đạo Phật phát triển ở mọi nơi, trong mọi nền văn hóa, mọi dân tộc, mọi thời đại.

Đạo (Con đường dẫn đến chấm dứt khổ)

Con đường này có tám nhánh và được gọi là Bát Chính Đạo:

1. Chính kiến: Sự thấu hiểu về Tứ Diệu Đế, vô thường và vô ngã.

2. Chính tư duy: Những suy nghĩ về lìa bỏ ái dục, không nóng giận và bạo lực, không gây ra những hành động có hại.

3. Chính ngữ: Không nói láo, không nói hai lưỡi (nói đâm thọc), không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm.

4. Chính nghiệp: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm.

5. Chính mạng: Không buôn bán hay làm những nghề nghiệp gây hại trực tiếp hay gián tiếp đến những chúng sinh khác.

6. Chính tinh tấn: Cố gắng ngăn chặn những ý nghĩ và hành động tiêu cực, sai xấu để chúng không khởi lên. Nếu chúng đã khởi lên, cố gắng chấm dứt chúng. Cố gắng phát khởi những ý nghĩ và hành động thiện lành. Nếu chúng đã nảy sinh, cố gắng duy trì chúng.

7. Chính niệm: Quán sát cơ thể, cảm xúc, ý nghĩ của chúng ta, và tất cả mọi sự vật hiện tượng, mọi giáo pháp nhằm cắt đứt mọi ham muốn và khổ đau.

8. Chính định: Thực tập thiền. Định là trạng thái tinh thần khi tâm được đặt trên một đối tượng duy nhất một cách đồng đều và chân chính, không dao động, phân tán. Tác dụng của định là tiêu trừ sự phóng chiếu. Nếu để tâm bị cuốn trôi theo dòng diễn biến tự nhiên mà không có sự nỗ lực khắc phục, kiểm soát và chuyển hướng nó thì dưới sự chi phối của tham ái, sân hận và si mê, tâm sẽ lôi cuốn chúng ta vào những hoàn cảnh khó khăn.

Tứ Diệu Đế là giáo lý đầu tiên và cơ bản nhất về con đường dẫn đến giác ngộ. Đó là con đường dẫn đến giác ngộ của các bậc A la hán trong Phật giáo Nguyên thủy.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,129,430
Số người trực tuyến: