Chính tâm chúng ta khiến một đối tượng trở thành tốt hay xấu | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Chính tâm chúng ta khiến một đối tượng trở thành tốt hay xấu

1206
28/12/2020 - 16:39

Ví dụ về vạn pháp duy tâm tạo

Nếu suy nghĩ kỹ, bạn sẽ hiểu rằng tốt và xấu, vui và buồn, sợ hãi và hy vọng đều do tâm tạo tác. Ví dụ, khi bạn nói “tốt”, cái tốt này được xác định theo văn hóa của đất nước bạn, truyền thống của thời đại, và đặc biệt là theo cách nghĩ của bạn. Bản thân đối tượng được bạn nhận xét không hề có thứ gì gọi là tốt. Đối tượng được bạn coi là tốt thì có thể bị hàng nghìn người khác coi là xấu. Bạn không thể khăng khăng rằng đối tượng đó thực sự tốt. Ví dụ kiểu quần áo mà thế hệ trẻ cho la hợp thời trang thì người lớn tuổi lại cho là không đẹp. Chúng ta có thể hiểu là chính tâm chúng ta khiến cho một đối tượng trở thành tốt hay xấu, trong khi bản thân đối tượng đó không tốt cũng không xấu. Bạn dành nhiều thời gian và công sức với hy vọng có được thứ mà tâm bám chấp của bạn cho là tốt, nhưng khi phải đối mặt với cái chết cận kề, kể cả lúc đã có được thứ mình muốn, bạn sẽ khó lòng thỏa mãn như vẫn ao ước. Bạn còn thường xuyên ghen tỵ khi thấy tài sản và sự xa hoa của người khác. Tương tự như vậy, khi ghét một đối tượng “xấu”, bạn cố lảng tránh đối tượng đó, và rồi bạn qua đời mà không hề để lại dấu ấn nào. Hoặc bạn phải chung sống cùng với mình vốn không ưa thích. Khi những người phục vụ đã từng bị bạn la mắng trở thành người có địa vị xã hội, bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cung kính cúi đầu chào họ. Khi quần áo và đồ trang sức trước đây bạn không thích trở thành mốt thời thượng, bạn lại cần những món đồ đó. Khi nghĩ về tất cả những điều này và phân tích cách nghĩ của mình trong nhiều năm, liệu bạn có thấy hổ thẹn hay không? Tất cả những phiền não này là do tâm bạn tạo tác, phóng chiếu ra.


Cội nguồn của hạnh phúc

Nếu bạn hiểu rằng mọi cảm nhận tốt hay xấu, mọi bám chấp vào tốt hay xấu không đến từ bên ngoài mà do tâm phóng chiếu, hiểu biết đó sẽ có ích cho đời sống thường nhật cho dù bạn có tin và hiểu về Đạo Phật hay không. Chúng ta cố gắng mưu cầu hạnh phúc bằng cách tìm kiếm các đối tượng để thỏa mãn ham muốn dục lạc, nhưng chính việc tìm hạnh phúc từ bên ngoài là lý do căn bản khiến chúng ta không lúc nào hài lòng. Chúng ta khổ vì tâm không hạnh phúc. “Hạnh phúc” nhỏ nhoi có được từ sắc đẹp, quan hệ nam nữ, bài ca điệu nhạc du dương, uống rượu và sử dụng các chất kích thích… đều có tính chất giả tạm, ngắn ngủi và là nhân của luân hồi khổ đau. Vì phụ thuộc vào vọng tưởng về hạnh phúc đến từ bên ngoài, chúng ta luôn chạy theo các dục lạc, nhưng chẳng bao giờ thấy thỏa mãn. Tựa như uống nước muối sẽ chẳng bao giờ khiến bạn hết cơn khát. Việc đắm chìm vào các dục lạc còn khiến nhiều người khuynh gia bại sản, lâm vào con đường nợ nần, trộm cắp. Nếu có trí tuệ để hiểu hạnh phúc không đến từ đối tượng ham muốn mà do chính tâm mình phóng chiếu, bạn sẽ hiểu rằng những ham muốn đó chỉ là nhất thời. Vì sự giả tạm mà chúng ta gọi là “hoại khổ” này, bản chất của thứ hạnh phúc này sẽ là đau khổ. Trải nghiệm về bản chất đau khổ đó cho bạn hiểu biết thêm về tâm. Hiểu biết đó sẽ giúp bạn có sự cân bằng nội tâm, ngừng theo đuổi những đối tượng ham muốn dục lạc bên ngoài một cách mù quáng.

 

Mọi niềm vui và nỗi buồn đều trở thành những bài học

Ngày nay, mọi người dành nhiều thời gian, công sức để chuẩn bị cho những kế hoạch vui chơi giải trí như săn bắn hay câu cá, dã ngoại hay tới vũ trường. Song một khi kế hoạch đó được thực hiện, ít ai thực sự thấy hạnh phúc. Một phần lý do đến từ việc thực tế những gì chúng ta trải nghiệm không được đúng như trong suy nghĩ. Mặc khác, ngay cả khi kế hoạch được thực hiện như ý muốn, chúng ta sẽ không thấy thỏa mãn mà lại vội vàng dồn hết tâm sức chạy theo các kế hoạch tiếp theo. Khi suy nghĩ về nguồn gốc của tất cả những việc này, bạn sẽ thấy căn nguyên vấn đề bắt nguồn từ sự ích kỷ, ham muốn vui thú của bản thân. Do không hiểu đâu là nguồn gốc của hạnh phúc, chúng ta nhầm tưởng hạnh phúc bắt nguồn từ những đối tượng bên ngoài như người yêu, đồ ăn thức uống, danh tiếng, quyền lực và của cải. Đây là một sai lầm nghiêm trọng. Hạnh phúc thực tế đến từ Tâm an lạc, không vướng mắc các tham muốn, sân giận, bám chấp. Chúng ta cần nhận ra sai lầm này để có thái độ đúng đắn trước những khổ đau đến từ việc không thỏa mãn các mong muốn. Khi đó, mọi niềm vui và nỗi buồn chúng ta trải qua đều trở thành những bài học giúp chúng ta suy ngẫm chín chắn và trưởng thành hơn.

Nếu trong lúc đau buồn, bạn biết rằng những đau buồn đó chỉ là một sự thay đổi trong suy nghĩ, bạn sẽ không giận dữ vô ích hay buồn chán đến tan nát cõi lòng, và sẽ không nghĩ đến việc thực hiện các hành động vô nghĩa như sân giận, phiền não, làm tổn hại chính mình và người khác hay phạm phải bất cứ nghiệp bất thiện nào. Hiểu được điểm cốt lõi này, chúng ta sẽ dễ dàng sống một cuộc đời tràn đầy ý nghĩa.

Quan Âm Bồ tát Đại Từ Bi,

Đại Thượng sư, Đức Hộ trì duy nhất,

Đức Naropa và Tsangpa Gyare quang vinh,

Chư lịch đại Truyền thừa Thượng sư,

Con chí thành đỉnh lễ quy y.

Như đã trình bày, chúng ta cần hiểu vạn pháp chỉ là sự hiện bày của tâm và chúng ta cần thực hành kiểm chứng tự tính tâm. Vì nghiệp báo là chắc chắn, việc thực hành thiền để điều phục tâm phóng túng, trì tụng để thành tựu một Bản tôn, trì giới để giữ gìn sự khiêm cung, hay thực hành bố thí chắc chắn sẽ đem lại những hạnh phúc thế gian. Tuy nhiên, nếu không có tâm nguyện vị tha muốn giúp đỡ chúng sinh, không hiểu rằng từ bi có vai trò quan trọng, không thực hành Bồ đề tâm và lòng bi mẫn, thì chưa chắc chúng ta đạt được quả vị hợp nhất Kim Cương Trì dù có thực hành pháp môn nào đi nữa.

Nếu không có phương tiện thiện xảo là đại bi, chẳng có cách nào giúp chúng ta đạt được Sắc thân Phật, và nếu không có thanh tựu này thì chẳng có cách nào khiến chúng ta chứng ngộ được quả vị hợp nhất của Đức Kim Cương Trì. Xét cho cùng, ngay cả hiểu biết về Căn, Đạo, Quả của ba loại hành giả có căn cơ bậc cao, trung, thấp, cũng cần phải dựa trên nền tảng là lòng bi mẫn. Vì thế, lòng bi mẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu để phân biệt các quả vị Phật, Bồ tát, Thanh Văn, Bích Chi Phật và A La Hán.

(Trích ấn phẩm "Tự Truyện Pháp Ký" - Tác giả: Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,119,209
Số người trực tuyến: