Bạn đang ở đây
Để bạn không lạc lối trên con đường thực hành tâm linh
Về tầm quan trọng của động cơ thực hành, ai cũng hiểu rằng chúng ta như người giương cung để ngắm về đích là chân hạnh phúc, tình yêu thương, trí tuệ, một đời sống bình an. Ấy vậy mà khi chúng ta giương cung lại không nhắm về đích mà lại bắn vu vơ lên hư không, không có đích thì mũi tên của chúng ta sẽ rơi rụng một cách vô vọng. Vậy thì đích đến là gì? Khi hiểu được Tứ niệm pháp, chúng ta sẽ hiểu đích đến của chúng ta là Thượng sư tương ưng Pháp - Guru Yoga, chính là toàn bộ phẩm chất giác ngộ. Về phương tiện thực hành, chúng ta phải kết nối thực hành các vị Phật Bản tôn.
Tại sao chúng ta lại cần Tứ niệm pháp?
Thực sự, nếu để tự điều chỉnh động cơ của mình một cách đúng đắn thì rất khó nên chúng ta phải y cứ vào Tứ niệm pháp, đó là thiền định về (i) sự trân trọng thân người quý giá, (ii) cái chết và vô thường, (iii) luật nhân quả, (iv) những khuyết điểm trong cảnh sống của chúng ta, hay gọi một cách khác là khổ luân hồi. Chúng ta cần phải suy ngẫm về các đề mục này để từ đó trưởng dưỡng động cơ đúng đắn, tận dụng từng giây phút cuộc sống trong lúc thực hành và trong đời sống thường nhật cho lợi ích, ý nghĩa nhất.
1. Trân trọng thân người khó được
Chúng ta hạnh phúc vì hiện có đầy đủ sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), có đầy đủ tri giác để thấy nghe hay biết. Ngay giây phút này đây chúng ta hiểu được về trí tuệ tâm linh, Bồ đề tâm, về tình yêu thương, lòng bi mẫn, không phải trải nghiệm quả khổ vì những bệnh tật khủng khiếp như ung thư, cùi hủi hay những trọng bệnh khác. Đấy là điều may mắn nhất! Chúng ta cũng cần hiểu rằng giây phút này mình đang được chính niệm tỉnh thức, hiểu được Phật pháp. Trong khi có biết bao người còn trôi lăn trong cuộc sống màn trời chiếu đất, có những nơi còn bị chi phối bởi chiến tranh, đói khát, tai nạn, thiên tai, bão lụt…, chúng ta lại may mắn có những giây phút an bình được hạnh ngộ Minh sư, được nghe và học Pháp, thanh thản trưởng dưỡng tình yêu thương và trí tuệ.
Để trân trọng thân người, chúng ta phải trân trọng từng giây phút hiện tại mà mình đang có. Chúng ta trân trọng các bậc Thầy của mình, chư Thượng sư giác ngộ. Các Ngài đã phải trải thân tu tập thành tựu giác ngộ để lợi ích chúng sinh. Chúng ta trân trọng những đạo hữu Kim Cương quanh mình. Mặc dù mỗi người còn có các tập khí khác nhau nhưng ngay giây phút họ quán tưởng về Bản tôn - Chân ngôn - Trí tuệ, đó chính là lúc giây phút thân, khẩu, ý của họ là sự giác ngộ, là Phật, không phải là chúng sinh phàm tình thông thường. Nhiều khi chúng ta sống trong Tăng đoàn để tập khí hoành hành, hành xử nhân – ngã, ta - người, quên mất Tam muội da giới. Chính vì vậy, trong Kim cương thừa có Tam muội da giới của huynh đệ Kim Cương, phải nhìn huynh đệ Kim Cương với sắc tướng thực sự của một vị Phật Bản tôn, khẩu là Chân ngôn, tâm là Trí tuệ. Nếu chúng ta nhìn khác đi thì những vọng niệm nhị nguyên khởi lên phân biệt. Đã phân biệt thì sẽ có phạm trù yêu, ghét, hài lòng, bất mãn, từ đó sinh ra bám chấp. Chúng ta sẽ dễ tuôn ra những lời nói, ý nghĩ và hành động làm tổn giảm công đức của mình và tổn hại nghiêm trọng đến Tăng đoàn, phạm Tam muội da giới.
2. Vô thường
Nếu hiểu được những vô thường, biến dịch của giây phút hiện tại nơi thân - tâm – cảnh của mình thì chắc chắn chúng ta sẽ trưởng dưỡng được những phẩm chất tốt đẹp, biết trân trọng từng giây phút, trân trọng 24 giờ trong ngày, trân trọng ngay cả những cảm xúc phiền não tham, sân, si. Chúng ta sẽ biết đem giây phút hiện tại vào sự thực hành hay qua hành xử trong đời sống thường nhật bằng cách trưởng dưỡng hạnh phúc cho chính mình và giúp đỡ, lợi ích người khác.
Ai cũng thấy vô thường diễn ra xung quanh nhưng đôi khi đối với bản thân, mình lại không chấp nhận vô thường. Biết đâu khi chúng ta đi ngủ rất ấm áp nhưng khi thức dậy lại ở trong bệnh viện. Biết đâu khi thức dậy rất nhiều người đã được báo tử, không biết mình đã chết. Khi thấy bản chất ngắn ngủi của đời sống, chúng ta sẽ có cái nhìn và thái độ sống tích cực hơn.
3. Quy luật nghiệp
Đó là toàn bộ hoạt động thân, khẩu, ý của chúng ta trong hiện tại. Giây phút chúng ta đang học hiểu về Phật pháp, trưởng dưỡng được tình yêu thương, trí tuệ, lòng bi mẫn là giây phút chúng ta sẽ có kết quả lợi ích trong tương lai, không phải đợi đến tận tương lai kiếp sau mà ngay đời này, ngay trong giây phút này, chúng ta sẽ hái quả.
4. Khổ luân hồi
Thêm nữa chúng ta phải hiểu về cái khổ của đời sống luân hồi. Đức Phật dạy rằng toàn bộ đời sống của chúng ta không ra ngoài ba loại khổ, đó là Khổ khổ, Hành khổ và Hoại khổ.
Khổ khổ là những cái khổ bên ngoài như sinh, già, bệnh, chết, các cảnh khổ như phải chia lìa những người thương yêu mình (ái biệt ly khổ), phải đối mặt những người mình không thích (oán tắng hội khổ), những tâm nguyện, mong nguyện không thành (cầu bất đắc khổ). Không chỉ thế mà những căn bệnh của thân Ngũ ấm của chúng ta còn liên tục hoành hành (ngũ ấm xí thịnh khổ).
Hoại khổ là cái khổ về sự biến dịch, vô thường nơi thân tâm chúng ta.
Hành khổ: Không chỉ là cái khổ trong thân tâm mà toàn bộ vũ trụ này là luân hồi, cảnh sống của chúng ta trong sáu đạo đều bị chi phối bởi cảnh vô thường. Chúng ta cứ tin rằng chúng ta gặp lại bạn bè hay gặp lại người thân nghĩa là mình gặp lại người hôm qua, nhưng thực ra mỗi giây phút đều thay đổi, tình cảm của họ thay đổi, tâm của họ thay đổi. Đối với thân, các tế bào sinh diệt, tâm của họ cũng vậy. Cũng như khi nhìn vào một dòng sông chảy cứ tưởng là mình nhìn vào một dòng sông y nguyên hôm trước, nhưng mỗi sát na, mỗi phút giây dòng nước trên sông đã thay đổi.
Bởi vậy, ba nỗi khổ diễn ra liên tục trong từng giây phút. Hiểu được rằng giây phút hiện tại là quan trọng, chắc chắn chúng ta sẽ có một động cơ tích cực để thực hành.
Đích đến của việc thực hành là Thượng sư tương ưng Pháp - Guru Yoga
Phương tiện thiện xảo của Kim cương thừa nằm ở chỗ ngay giây phút hành giả suy ngẫm về tình yêu thương, lòng từ bi, trí tuệ của Phật cũng chính là giây phút chúng ta trải nghiệm được tình yêu thương, từ bi, trí tuệ nơi mình. Khi chúng ta trân trọng được tình yêu thương, trí tuệ nơi mình thì chúng ta cũng chắc chắn sẽ trân trọng được Thượng sư của chúng ta đầy đủ phẩm hạnh như thế nào. Nếu không, chúng ta chỉ trân trọng Thượng sư theo cách mà Đạo Phật gọi là cuồng tín, bám chấp vào hình tướng bên ngoài. Và khi Thượng sư thay đổi thái độ vui mừng và phiền hận, tâm chúng ta cũng như bị thăng trầm, phóng chiếu bám chấp vào các hy vọng sợ hãi. Bởi vậy, hành giả thực hành Mật thừa phải hiểu được phẩm chất của Phật, hay phẩm chất của các bậc Thầy, cũng như phẩm chất của chúng ta không có sự khác biệt. Nhờ hiểu được như vậy, toàn bộ đời sống thực hành của chúng ta sẽ tự tin, bản lĩnh, đầy năng lực cân bằng và trí tuệ.
Để trưởng dưỡng được Guru Yoga, hay nói cách khác là trưởng dưỡng chư Thượng sư ở nơi mình thì trong phương pháp thực hành, chúng ta phải thỉnh cầu vị Phật Bản tôn ở trước mặt, tán tụng Ngài, trì tụng Chân ngôn và quán hòa tan để đón nhận trọn vẹn công đức và trí tuệ. Đấy là toàn bộ cốt yếu phần thực hành Nghi quỹ đầy đủ cũng như phần Nghi quỹ giản lược.
- 2626 reads