Bạn đang ở đây
Những trải nghiệm trong thực hành Phật Bản tôn
Trong các phần thực hành nghi quỹ dù đầy đủ hay giản lược, dù khóa lễ diễn ra trong 10 ngày hay chỉ diễn ra trong 15 phút thì cũng nằm trong ba phần: Thứ nhất là quán tưởng sắc thân Phật Bản tôn, thứ hai là trì tụng Chân ngôn, thứ ba là quán hòa tan.
- Việc chúng ta quán tưởng về sắc thân một vị Phật để tương ứng với Thân giác ngộ của vị Phật, chính là tương ứng với Thân giác ngộ của chúng ta.
- Việc chúng ta trì tụng Chân ngôn để tương ứng với Khẩu giác ngộ của Phật Bản tôn, chính là tương ứng với Khẩu giác ngộ của chính mình.
- Việc chúng ta hòa tan sắc thân Phật Bản tôn nơi tự tâm giác ngộ để tin rằng chúng ta đã đón nhận trọn vẹn Tam mật gia trì, tức là Thân Khẩu Ý giác ngộ của Thượng sư hòa tan với Thân Khẩu Ý giác ngộ tự thân.
1. Hiểu rõ ý nghĩa sắc thân Bản tôn
Bởi vậy, một cách ngắn gọn chúng ta hiểu toàn bộ việc thực hành sẽ nằm gọn trong việc quán tưởng tự thân Quan Âm, trì tụng Chân ngôn Đức Phật Quan Âm và quán tưởng Ngài hòa tan vào nơi mình để đón nhận toàn bộ công đức và trí tuệ. Về phần thiền định, có thể chúng ta đã hiểu về sắc thân Bản tôn và ý nghĩa, nhưng phần hiểu về lý thuyết lại khác với phần thực hành ở chỗ phải có được sự trải nghiệm. Chẳng hạn như, chúng ta hiểu Đức Quan Âm có một mặt là nêu biểu Pháp thân, phần hiểu này là lý thuyết. Còn phần trải nghiệm thực hành là an trụ trong Pháp thân.
Trong thực hành về Bản tôn, đầu tiên chúng ta phải hiểu ý nghĩa của một vị Phật rồi sau đó mới thực hành pháp tu của vị Phật đó. Trước hết, chúng ta phải đọc để hiểu và nhớ hết những đặc điểm sắc thân Bản tôn bởi vì khi nhớ như vậy chúng ta sẽ dễ dàng quán tưởng. Việc quán tưởng trong Kim cương thừa rất quan trọng vì toàn bộ những màu sắc, hình tướng của Đức Quan Âm sẽ tác động toàn bộ đến thân tâm và tâm lý của chúng ta. Những màu sắc biểu tượng ở đây mang ý nghĩa biểu trưng của phẩm chất giác ngộ nên phần quán tưởng chúng ta cần phải học hiểu trước.
2. Quán tưởng và cảm nhận rõ ràng
Về tiến trình quán tưởng, chúng ta cần quán tưởng một Bảo tháp hoàn hảo. Nơi trung tâm của Tháp có một tòa sen thanh tịnh với những cánh sen thanh khiết trong suốt tỏa hương sắc thơm ngát. Chúng ta cần cảm nhận được hoa sen đó. Điều quan trọng trong thực hành là cảm nhận chứ không phải chúng ta tưởng tượng ra bông sen xanh, vàng, đỏ, trắng rồi biến mất. Trong Mật thừa, quá trình thiền quán về sắc thân của một vị Phật phải gắn liền với cảm nhận bằng sáu giác quan, đó là việc nhìn thấy, nghe thấy sóng âm chân ngôn, cảm nhận sự rung động sóng âm chân ngôn và cảm nhận ngửi được mùi hương. Chẳng hạn khi tụng Kinh Di Đà, tụng đến phần nào hành giả phải cảm nhận được từng phần đó. Khi mô tả về cảnh sắc Tịnh Độ, hành giả cảm nhận mình sống trong cảnh giới đó. Khi mô tả đến chim nói pháp hay cảnh về làm các thiện hạnh thì đều có cảm nhận những âm thanh thuyết pháp thật sự, cảm nhận bằng sáu căn. Hay như trong Kinh mô tả các mùi hương cúng dàng, lập tức chúng ta cũng cùng cảm nhận.
Đây không phải là ảo tưởng mà chúng ta đang làm việc bằng trực giác của mình. Nếu như chúng ta cảm nhận được thì chắc chắn sự giải thoát cũng như cõi Tịnh Độ là thành tựu vì thông thường chúng ta không vượt qua được sự hạn cuộc sáu căn của thân vật lý. Đạo Phật gọi sáu căn sáu thức là sự thấy, nghe, hay biết thông thường. Chúng ta thường tin những gì mình thấy, nghe hay những gì được dạy ở trường, qua tiếp xúc trong cuộc sống là chân lý. Chúng ta tin tất cả những gì chúng ta nếm, ngửi, chạm là có thật. Vì tin như vậy nên mãi đến giờ con người vẫn không vượt qua được sự hạn cuộc của sáu căn. Hay nếu có vượt qua được thì cũng phải nhờ công nghệ hiện đại. Để nhìn được thì hiện tại chúng ta phải mượn các công dụng của vô tuyến để nhìn. Chúng ta không thể nhìn qua tờ giấy, tai cách vách không nghe thấy được vì không phát triển được khả năng trực giác ở nơi sáu căn. Việc quán tưởng giúp phá đi những chấp trước thông thường, và để quán tưởng hiệu quả chúng ta cần tiến hành đồng thời với trải nghiệm trực giác và cảm nhận thực sự.
- 2043 reads