Bạn đang ở đây
Điểm cốt yếu về tâm chí thành được chỉ dạy bởi chư Thượng sư
Có câu nói rằng: “Người thiếu tâm chí thành sẽ không thể đạt những phẩm hạnh tích cực, giống như một hạt giống đã rang sẽ không thể nảy mầm”. Nếu bạn có tín tâm hay còn gọi là tâm chí thành, ân phúc gia trì sẽ trổ quả rất tự nhiên. Còn nếu thiếu tín tâm, giống như một hạt giống đã rang không thể nảy mầm, mọi sự thực hành của bạn sẽ không mang lại kết quả nào. Điều này được nhắc đến trong tất cả Kinh điển giáo lý.
Tâm chí thành quan trọng như vậy, song rất nhiều người trong chúng ta lại chẳng để tâm, thậm chí còn coi thường điều đó. Bạn rất cần để ý và suy xét điều này. Vì đây là một vấn đề quan trọng, chúng ta có thể cần dành nhiều năm để hiểu được vấn đề này. Bạn cần hiểu tường tận, có thể so sánh các giáo lý Phật với các tôn giáo khác với tâm cởi mở, dùng trí thông minh, kiểm chứng bằng những trải nghiệm bản thân, suy ngẫm về giáo lý đón nhận từ Thượng sư. Theo kinh nghiệm riêng tôi, không ai có thể đạt được tiến bộ tâm linh với tâm chí thành hời hợt, thờ ơ. Đây cũng là điểm cốt yếu được chỉ dạy bởi vô số bậc Thượng sư trong quá khứ, cũng như được ghi chép trong rất nhiều Kinh điển và Mật điển.
Ngày nay, khi vừa nghe nhắc tới tâm chí thành, nhiều người theo truyền thống Phật giáo cách tân cả ở phương Đông và phương Tây đã lập tức quy kết rằng đây là một sự ép buộc. Họ nói: “Tôn giáo nào cũng có điểm cứng nhắc, nhưng chúng con nghe nói Phật giáo không hề khiên cưỡng chút nào. Nhưng giờ nghe Ngài nói như vậy, chúng con chẳng biết phải làm sao”, rồi họ tỏ vẻ chán nản, thất vọng. Một số người nhìn nhận lệch lạc, một số khác lại tỏ ra thờ ơ, cho rằng tôn giáo nào mà chẳng nói về niềm tin và tâm chí thành. Vậy là họ đã hoàn toàn hiểu sai về điều này, do thiếu sự học hỏi và chiêm nghiệm.
Theo quan kiến Phật giáo, niềm tin hay tâm chí thành chính là một phương tiện thiện xảo để chặt đứt xiềng xích trói buộc của nhị nguyên, giữa Có và Không, giữa tồn tại và không tồn tại. Việc nói, với tâm bám chấp mạnh mẽ, về những điều có thể hoặc không thể chứng minh, để tranh luận rằng phải có niềm tin vào đấng sáng tạo, hoặc nói rằng vạn pháp chẳng hề do nhân duyên, hoặc khẳng định bạn không thể chấp nhận những điều trái ngược với Kinh điển và giáo lý, sẽ giống như xiềng xích trói chặt bạn vào một niềm tin tôn giáo mới. Niềm tin như vậy chỉ hữu danh vô thực, hoàn toàn khác biệt với tín tâm theo quan kiến Đại thừa và Kim cương thừa. Khi Đức Phật dạy: “Hãy kiểm nghiệm lời ta, giống như lửa thử vàng”, Ngài muốn chúng ta cần quán chiếu sự tướng và tự tính của vạn pháp cho tới khi hiểu ra chân lý rốt ráo - bằng sự tỉnh thức nhờ tu tập, bằng cách suy ngẫm giáo lý do Thượng sư truyền giảng, hoặc bằng sự nghiên cứu giáo lý trong Kinh điển.
Lời dạy này của Đức Phật được gọi là “Vô Úy Sư Tử Hống” bởi vô cùng hy hữu và kỳ diệu. Theo nghĩa này, Đạo Phật dạy rằng tín tâm giống như một viên ngọc mà chúng ta có thể thấy trong chính mình nhờ trải nghiệm thực hành, bằng cách quán chiếu tự tính cơ bản bên ngoài và bên trong của vạn pháp. Theo các truyền thống khác, tín tâm phụ thuộc vào sự quyết định của kinh điển hoặc các bậc Thầy. Song với nhiều người tự cho mình là Phật tử ngày nay, đôi khi tôi mong nguyện họ có được chút tín tâm, cho dù giống như tín đồ của các tôn giáo khác. Thật đáng tiếc khi họ chỉ giả vờ có tín tâm hoặc sự khiêm nhường, như thể bị ép buộc phải tuân theo truyền thống. Họ miễn cưỡng tỏ ra có tín tâm và cố ép mình phải làm những việc vốn chẳng mang lại lợi ích gì cho đời sau. Tôi thấy tiếc cho những chúng sinh kiêu ngạo và thiếu niềm tin, bỏ phí cả cuộc đời, quanh quẩn trong luân hồi không lối thoát, chẳng mang lại lợi ích gì cho bản thân và chúng sinh, chẳng làm gì ý nghĩa cho đời này hay đời sau.
(Trích ấn phẩm “Tự truyện Pháp ký”
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)
- 82 reads