Tín ngưỡng Quan Âm tại Việt Nam | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Tín ngưỡng Quan Âm tại Việt Nam

648
10/04/2017 - 08:00
Đức Quan Âm có ảnh hưởng sâu đậm trong văn hóa dân gian đến độ, chúng ta đi đâu, về đâu cũng đều thấy tôn tượng Ngài. Không chỉ nơi già lam u nhã mà hầu như khắp nẻo đường đất nước, nhất là những chốn hiểm nguy, ách nạn thì sự cảm ứng hiện thân của Ngài lại càng nhiều hơn nữa. Nơi nào có đau thương tang tóc, nơi đó có bóng dáng Mẹ hiền Quan Âm; nơi nào có tiếng nguyện cầu kêu cứu, nơi ấy có Bồ tát Tầm Thanh Cứu Khổ.

Tới cuối thế kỷ thứ VI, Mật thừa, hay còn gọi là Kim cương thừa, chính thức được hoằng truyền vào Việt Nam với sự xuất hiện của Thượng sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Từ đấy trở đi, tinh thần Thiền Mật thấm nhuần tư tưởng của hàng Tăng sĩ và Phật tử. Đến thời Lý - Trần, Đạo Phật bước vào thời hoàng kim và trở thành quốc giáo Việt Nam. Các vị vua thời này thường thỉnh mời các bậc Thượng sư thực chứng đạo hạnh làm Quốc sư, cố vấn về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa và tôn giáo, giúp việc trị quốc an dân được thấm nhuần tư tưởng từ bi, trí tuệ, vô úy, hỷ xả của Phật Pháp.
 

Lễ Khai mở bức Thongdrol (Thangka khổng lồ) tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên, 16/03//2017
 
Vua Lý Thái Tổ, một vị vua Phật tử tài giỏi, thuần thành đã cho dựng nhà Tàng Kinh Trấn Phúc vào năm 1011 để nghiên cứu những bản kinh thông dụng như Kim Cương, Dược Sư, Pháp Hoa, Viên Giác, Lăng Nghiêm… Tín ngưỡng Quan Âm chắc chắn đã được lưu truyền rộng rãi trong thời kỳ này. Lịch sử ghi nhận Thiền sư Từ Đạo Hạnh đã chứng được Pháp Đại Bi Tâm Đà La Ni của Quan Âm Đại Sĩ, đồng thời nguyên phi Ỷ Lan, vợ của vua Lý Thánh Tôn cũng được tôn kính là Quan Âm Nữ. Tín ngưỡng dân gian cũng cho rằng Công Chúa Ba hay Quan Âm Diệu Thiện đã tu hành đắc đạo tại động Hương Tích, chùa Hương. Hình ảnh Phật Bà Quan Âm và Quan Âm Thị Kính luôn hiện rõ vai trò nhẫn nhục, từ bi, cứu khổ qua hai tập truyện thơ “Quan Âm Nam Hải”, ”Quan Âm Thị Kính” và các vở chèo được lưu truyền rộng khắp.
 

Người dân tham dự Pháp hội cầu nguyện trước Thongdrol Đức Phật Quan Âm Thiên thủ

Đến các triều đại Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn, dù vai trò Phật giáo bị suy giảm nhưng tôn chỉ dùng Tâm Từ Bi Hỷ Xả cứu khổ cứu nạn với Trí tuệ Bát nhã là con thuyền cứu độ chúng sinh của Phật Bà Quan Âm đã thấm nhuần tâm hồn người dân Việt. Các Phật tử hầu như đều thuộc chân ngôn Đại Bi, Lục Tự, Bát nhã và đại đa số thờ phụng Đức Quan Âm qua tôn tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, Phật Mẫu Chuẩn Đề hoặc Bạch Y Quan Âm.. Nhiều người chưa quy y Tam Bảo, chưa là Phật tử cũng thường xưng niệm danh hiệu và thỉnh tôn tượng Quan Âm để thờ phụng. Đức Quan Âm có ảnh hưởng sâu đậm trong văn hóa dân gian đến độ, chúng ta đi đâu, về đâu cũng đều thấy tôn tượng Ngài. Không chỉ nơi già lam u nhã mà hầu như khắp nẻo đường đất nước, nhất là những chốn hiểm nguy, ách nạn thì sự cảm ứng hiện thân của Ngài lại càng nhiều hơn nữa. Nơi nào có đau thương tang tóc, nơi đó có bóng dáng Mẹ hiền Quan Âm; nơi nào có tiếng nguyện cầu kêu cứu, nơi ấy có Bồ tát Tầm Thanh Cứu Khổ.

~ Trích từ ấn phẩm Đức Phật Quan Âm - Thần lực Đại bi gia trì, Drukpa Việt Nam biên soạn, XB 03/2017.
 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,119,710
Số người trực tuyến: