Bạn đang ở đây
Thực hành từ bi - Gieo trồng hạt giống thành tựu con đường giác ngộ
Tình yêu thương là mong muốn cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc. Còn từ bi là mong muốn chúng sinh chấm dứt nguyên nhân đau khổ. Sau khi nhìn thấy những đau khổ của đồng loại chúng sinh, chúng ta muốn cứu khổ. Tâm như thế chính là lòng từ bi. Đối với việc thực hành, ngay từ khi bắt đầu, lòng từ bi được coi là hạt giống, toàn bộ con đường thực hành lòng từ bi được coi là nước để tưới tẩm hạt giống giác ngộ, hạnh phúc của chính chúng ta. Và khi kết thúc, lòng từ bi lại như mặt trời sưởi ấm cho tất cả chúng sinh. Vì vậy, nếu chúng ta thực hành Phật pháp mà không có lòng từ bi thì sẽ không có hạt giống giác ngộ, con đường giác ngộ và không có sự thành tựu con đường giác ngộ.
Một cách khái quát, lòng từ bi có ba loại:
1. Chúng sinh duyên từ - Lòng từ bi hướng về chúng sinh
Thấy chúng sinh phải trải qua đau khổ bấp bênh, vì hiểu lầm cuộc sống cho nên những bệnh tật, chướng ngại, những nỗi khổ về sai lầm nhận thức dằn vặt họ, cùng với đó là những nỗi khổ về tiền tài, vật chất, những cảnh sống đọa đầy, chúng ta thương xót và muốn giúp đỡ họ. Đây là thực hành chính trong Phật giáo, chúng ta gọi là thiện hạnh. Lòng từ bi này hướng về sự đau khổ của chúng sinh. Thuật ngữ Phật Pháp gọi là chúng sinh duyên từ - lòng từ bi hướng về chúng sinh.
2. Pháp duyên từ - Lòng từ bi hướng về vạn pháp
Đây là một cấp độ sâu hơn, chúng ta không chỉ nhìn thấy chúng sinh đau khổ là muốn cứu khổ mà chúng ta phải nhìn thấy nguyên nhân tại sao ta và chúng sinh lại đau khổ. Chỉ vì vô minh, chúng ta không nhận ra bản chất cuộc sống là thân người khó được, là thân - tâm - cảnh trong sự biến dịch vô thường, là nhân quả, những điều tiêu cực chúng ta tạo tác qua thân, khẩu, ý phải chịu quả khổ. Rộng ra không chỉ là bản thân mình mà toàn bộ những ai đã có mặt ở thế gian đều trải nghiệm những nỗi khổ về vật chất, tinh thần ở các cấp độ khác nhau. Nếu hiểu được như vậy, chúng ta không tuyệt vọng trước những vô thường, đổi thay.
Đây là lòng từ bi mà chúng ta cần phải thực hành trong Đạo Phật, được trưởng dưỡng dựa trên hiểu biết nguyên nhân của vô minh. Chúng ta vô minh vì đã chấp vạn pháp vô thường làm thường còn. Thân của mình sinh ra phải trả về cho đất lại chấp là mình có một “cái tôi” thật, một cái ngã thật. Tất cả vạn pháp vốn thay đổi thì chúng ta lại tin rằng vạn pháp thường còn. Chúng ta không hiểu được tự tính của vạn pháp là tính Phật, là Pháp tính. Nếu không chiêm nghiệm, không có sự giác tỉnh thì chúng ta không thể hạnh phúc an vui. Nếu vẫn giữ vô minh, đem hành xử tiêu cực trong cuộc sống vào Phật Pháp, thì dù có tham dự bao nhiêu khóa tu hay có trì đến 108 Bảo tháp, chúng ta vẫn y nguyên con người chấp ngã như cũ. Sau một thời gian tu tập vẫn thấy mình bùng bùng sân giận, lòng từ bi cũng chẳng trưởng dưỡng được chút nào, chúng ta lại thêm bất an, lo lắng. Ngoài đời đã tranh chấp, vào đạo lại cạnh tranh hơn thua, thế thì việc tu tập chẳng lợi ích gì. Vì vậy cấp độ bi mẫn thứ hai hay sự nhận biết về vô minh rất quan trọng.
3. Đồng thể Đại bi - Lòng từ bi vô điều kiện
Lúc này không có đối tượng là vô tình hay hữu tình, không phải chỉ có con người, động vật mà cây cỏ cũng bình đẳng như nhau. Lòng từ bi này chỉ có chư Phật, chư Bồ tát và các bậc thầy giác ngộ sau khi trải nghiệm được sự giác ngộ bình đẳng giữa tất cả các pháp, giữa cỏ cây, muôn loài vạn vật chúng sinh hữu tình không có sự khác biệt thì các Ngài an trụ trong tự tính lợi ích chúng sinh. Trong Kinh Phổ Môn có dạy Đức Quan Âm hiện ra trong 32 ứng thân để tùy duyên cứu độ chúng sinh:
Ngàn xứ cần cầu ngàn xứ ứng.
Biển khổ thả thuyền vớt chúng sinh
Đức Pháp Vương thường lấy dụ như mặt trăng trên trời soi bóng xuống hàng nghìn hồ nước khác nhau. Ở đây ý chỉ các Ngài, chư Phật Bồ tát, các bậc Thầy giác ngộ, các Ngài chỉ an trụ trong tự tính giác ngộ, nhưng có thể thấu suốt tất cả nỗi khổ của chúng sinh.
Trong Kinh Phổ Môn có dạy, khi chúng ta gặp các nạn khổ, nếu nhất tâm xưng danh Đức Quan Âm Bồ tát tức thời được giải thoát. Ngay giây phút chúng ta niệm hồng danh chư Phật, ngay giây phút chúng ta niệm chân ngôn của chư Phật, đó chính là lúc chúng ta niệm tự tính giác ngộ, phẩm chất công đức của mình. Và vô tình ngay lúc đó chúng ta trở về “đồng thể đại bi”, cùng trở về đồng thể với tự tính của Đức Quan Âm hay chư Phật, và tự nhiên những tai nạn, khổ não bên ngoài bị tiêu diệt. Kinh Bát nhã có câu: “Khi Quán Tự Tại Bồ tát thực hành sâu xa pháp Bát nhã Ba la mật, Ngài soi thấy năm uẩn đều không cho nên độ được tất cả khổ ách”. “Ngài soi thấy năm uẩn đều không” có nghĩa là Ngài trụ trong tự tính Phật. Đối với các pháp như vừa giải thích, bởi vì nó là vô thường, biến dịch, không thật cho nên làm gì có khổ não, làm gì có tai nạn khổ ách. Điều này cũng được nhiều bậc Thầy minh chứng. Vì đã siêu việt những chấp trước nhị nguyên nên việc các Ngài đi qua tường, đi qua lửa, để lại các dấu tay dấu chân trên đá là rất bình thường để chứng minh “sự sự vô ngại” hay không có sự ngăn ngại giữa vật chất. Đấy là minh chứng thành tựu tâm linh của Đồng thể đại bi.
Lòng từ bi – Hạt giống giác ngộ
Khi đã hiểu được ba loại từ bi này rồi, chúng ta đem lòng từ bi và tình yêu thương áp dụng trong cuộc sống. Chúng ta phải có tình yêu thương và lòng từ bi với bản thân trước, thấy được tất cả những gì đang diễn ra ngay trong tâm mình, trưởng dưỡng những hạnh phúc mà mình đang trải nghiệm, không chỉ dành cho những người mà mình thương yêu quý mến, cho những sở hữu mà mình gắn bó mà phải trải rộng từ bi tâm này đến mọi hữu tình không phân biệt. Đây chính là phần thực hành Bồ đề tâm. Đức Phật dạy rằng Bồ đề tâm, hay gọi cách khác là lòng từ bi, tình yêu thương là pháp thực hành cốt tủy chính trong Đạo Phật. Nếu không có thực hành Bồ đề tâm thì không có sự giác ngộ. Nếu không thực hành tình yêu thương và lòng từ bi thì chúng ta không thể thành tựu bất kỳ pháp tu gì, không thành tựu bất cứ điều gì trong cuộc sống.
Dưới góc độ hạnh phúc đời thường, chúng ta cũng cần tình yêu thương, lòng từ bi để có thể tồn tại, để có thể sống hòa hợp trong gia đình, cơ quan, xã hội huống chi là đối với việc tu tập trưởng dưỡng thành tựu giác ngộ thì lòng từ bi lại càng là cốt tủy. Cho nên với việc thực hành, ngay từ khi bắt đầu, lòng từ bi được coi là hạt giống, toàn bộ con đường thực hành lòng từ bi được coi là nước để tưới tẩm hạt giống giác ngộ, hạnh phúc của chính chúng ta. Và khi kết thúc, lòng từ bi lại như mặt trời sưởi ấm cho tất cả chúng sinh. Vì vậy, nếu chúng ta thực hành Phật pháp mà không có lòng từ bi thì sẽ không có hạt giống giác ngộ, con đường giác ngộ và không có sự thành tựu con đường giác ngộ.
- 1502 reads