Ba loại năng lượng duy trì đời sống của chúng ta | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Ba loại năng lượng duy trì đời sống của chúng ta

322
19/07/2023 - 20:18

Phần 3: Ba loại năng lượng duy trì đời sống của chúng ta

Khi được tái sinh vào cõi người, chúng ta sinh ra với cuộc sống hữu hạn và đời sống đó có thể bị những chướng ngại làm cản trở hoặc gián đoạn. Đó chính là do nghiệp lực đã khiến chúng ta sinh vào cõi người với những điều kiện giới hạn nhất định. Chẳng hạn như, một người có thể rèn luyện cực kỳ vất vả để trở thành nhà vô địch môn nhảy cao. Người đó có thể nhảy rất cao, cao hơn hẳn so với mức thông thường, nhưng anh ta sẽ chẳng bao giờ có thể nhảy được trên 60m, bởi vì đó chính là giới hạn mà trọng lực hay lực hút trái đất đặt ra với loài người – đó là một loại điều kiện mà nhân loại chúng ta buộc phải chấp nhận, phải chịu ràng buộc.

Theo Kinh văn, có ba loại năng lực hoặc năng lượng giúp duy trì đời sống của chúng ta – đó là sinh lực (tshey), nghiệp lực (ley) và công đức lực (soenam). Trong lời cầu nguyện Tara, có đoạn chúng ta thỉnh cầu sự bảo hộ để tránh khỏi cái chết uổng. Chết oan uổng nghĩa là gì? Chúng ta biết một ngọn nến có thể cháy trong một khoảng thời gian nhất định là do bấc nến dài bao nhiêu và lượng sáp nến nhiều ít thế nào. Nhưng cũng có những lúc mà ngọn nến bị thổi tắt vì một cơn gió mạnh, dù cho bấc và sáp nến vẫn chưa hề cạn kiệt. Tương tự như vậy, sinh mạng con người cũng có thể bị gián đoạn theo cách này. Theo truyền thống Phật giáo, khi chúng ta tham khảo biểu đồ chiêm tinh học sau khi một người chết, đôi khi, ta thấy rằng sinh lực của người đó vẫn còn, nhưng vì một số chướng ngại mà khiến người đó phải yểu tử. Lẽ ra, người đó có thể sống được tới 70, 80 tuổi. Cũng có những trường hợp mà một người sinh lực đã cạn kiệt và người đó không thể kéo dài thọ mạng thêm được nữa. Khi đó chúng tôi có truyền thống thực hành các pháp tu trường thọ, gọi là Namgyal – Tongchay, thực hành cầu nguyện đến Đức Phật Trường Thọ. Có ba vị Phật chủ về Trường Thọ còn gọi là Tam Bộ Trường Thọ gồm Bạch Độ Mẫu Tara, Phật A Di Đà, và Tôn Thắng Phật Mẫu Namgyalma. Sau đó chúng tôi sẽ phóng sinh. Tất cả những pháp thực hành này dựa trên nền tảng niềm tin, sự hiểu biết về giáo lý nhân duyên, giáo lý nhân quả. Đó là nếu biết trao tặng cho chúng sinh khác mạng sống, chúng ta cũng sẽ có được đời sống trường thọ. Đó là lý do nếu chúng ta thực hành ăn chay, phóng sinh rất nhiều, v.v…, thì những thiện hạnh này chắc chắn sẽ giúp tăng trưởng tuổi thọ. Trong lịch sử cũng đề cập đến việc tạo tượng Bạch Độ Mẫu, phóng sinh, sẽ giúp tăng trưởng tuổi thọ. Theo khai thị của Đức Lam Drukpa Kuenley , có  bảy cách giúp  tiêu trừ, tịnh hóa các chướng ngại khiến rút ngắn tuổi thọ, đó là (i) sự tương hỗ, cộng hưởng giữa các nghiệp tích cực trong quá khứ, (ii) quán tưởng thân, khẩu, ý của Đức Phật Trường Thọ; (iii) thực hành chế độ ăn uống thực dưỡng, cân bằng; (iv) hành động đúng đắn (v) an trụ tự tính bình đẳng xả; (vi) tích lũy công đức và (vii) thực hành cầu nguyện các nhân duyên thù thắng cát tường.

Một ví dụ trong kinh có dạy rằng, nếu sinh mệnh của một người chấm dứt nhưng nghiệp và công đức trong cõi người của người đó vẫn chưa hết, thì người đó sẽ tiếp tục tái sinh vào cõi người. Trong trường hợp, nếu sinh lực và nghiệp lực vẫn còn mà công đức đã cạn kiệt, thì chúng sinh đó sẽ phải trải qua vô vàn khó khăn như phải chịu đựng đời sống đói nghèo, bệnh tật, do công đức phước đức đã cạn kiệt. Và nếu cả 3 năng lực này (sinh lực, nghiệp lực và công đức) đều cạn kiệt, thì thậm chí ngay cả Đức Phật Dược Sư hay Đức Phật A Di Đà cũng khó có thể cứu giúp được gì.

Nhưng chừng nào các năng lực này vẫn còn, đặc biệt là sinh lực vẫn còn, thì công đức có thể được tích lũy, và nghiệp lực còn tiếp tục được vận hành.

Tất cả những điều này hướng chúng ta về một điều căn bản, đó là mình có tin vào luật nhân quả, vào lý nhân duyên hay không. Một vài câu hỏi đơn giản giúp chúng ta tư duy về sự vận hành của các nhân duyên điều kiện, đó là – tại sao chúng ta được sinh ra? Tại sao chúng ta lại sinh ra trong đất nước này, và làm con của 2 bậc cha mẹ này?

Tại sao chúng ta lại gặp gỡ ai đó? Tại sao chúng ta thành công hoặc không thành công? v.v…

Nếu một người chỉ tin tưởng vào những nỗ lực mà không tin vào quy luật nhân duyên, thì như vậy cũng không có nhiều lý do để thực hành pháp Phật Dược Sư. Thực tế là, nếu không tin vào lý nhân duyên, luật nhân quả, thì bạn cũng không có nhiều lý do để theo đuổi việc dùng thuốc chữa trị, bởi lẽ chúng ta dùng thuốc đều với một niềm tin rằng kết quả của việc dùng thuốc sẽ giúp chúng ta chữa được căn nguyên của bệnh tật – dùng thuốc trị bệnh cũng là một mối quan hệ nhân quả mà thôi. Theo đạo Phật, như trong lời dạy của Đức Chabje Dhudjom Rinpoche, chúng tôi tin rằng có ba nguyên nhân gây nên bệnh tật: Bên ngoài, đó là sự mất cân bằng của thân vật lý, vì thế đương nhiên cần dùng thuốc. Bên trong, đó là những năng lực tiêu cực làm tổn hại chúng ta. Còn góc độ bí mật, nguyên nhân sâu xa đến từ tâm tiêu cực cùng các ác nghiệp mà ta đã tích lũy.

Về tầm quan trọng của những nguyên nhân này, chúng ta cần hiểu tâm tiêu cực và ác nghiệp có vai trò quan trọng nhất. Bởi lẽ, dù cho các năng lực tiêu cực cố gắng làm tổn hại chúng ta, chúng cũng sẽ không thể làm được điều này nếu chúng ta không có nghiệp bị đau bệnh. Một số người có sức đề kháng tốt và chẳng bao giờ mắc phải cảm lạnh, ngay cả khi mọi người xung quanh anh ta đều bị cảm. Có những người sinh ra đã có khả năng đề kháng nhất định, đối với một số bệnh tật nhất định, đó là vì người đó không hề có nghiệp mắc phải căn bệnh đó, hay nghiệp của người đó vốn không hề tạo tác để mắc phải căn bệnh đó.

(Trích khai thị của Đức Gyalwa Dokhampa)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,118,445
Số người trực tuyến: