Năng lực của tịnh hóa tùy thuộc vào mức độ thực hành chân chính của hành giả | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Năng lực của tịnh hóa tùy thuộc vào mức độ thực hành chân chính của hành giả

76
28/05/2023 - 20:18

Phần 8: Năng lực của tịnh hóa tùy thuộc vào mức độ thực hành chân chính của hành giả

Đạo Phật cho rằng mọi ác nghiệp đều có thể được tịnh hóa nhờ sự thực hành sám hối tịnh hóa chân chính. Như đã nói ở trên, xét từ góc độ cảm xúc, mỗi khi thực hành tịnh hóa với tâm tha thiết, chân thành, bạn đang chấp nhận hoàn cảnh, điều đó khiến bạn cảm thấy thanh thản, nhẹ nhõm hơn.

Thông thường, hầu hết chúng ta không có thói quen quán chiếu tâm hay quán xét những lỗi lầm của bản thân. Nó giống như một người mắc bệnh lao phổi nhưng không chịu thừa nhận mình mắc bệnh này, không chịu uống thuốc chữa trị, như vậy sẽ không thể khỏi bệnh.

Bước đầu tiên để thực sự tịnh hóa là biết chấp nhận. Khi không chấp nhận lỗi lầm, thật đáng sợ khi ở một mình, vì đó là những lúc chúng ta phải đối mặt với con người thật của bản thân. Thường thì khi không phải ở một mình, chúng ta luôn bị phân tâm, không phải đối diện với những câu hỏi hiện sinh về việc mình thực sự là ai, là người như thế nào và đang làm gì. Tuy nhiên, khi chỉ còn lại một mình, ngay cả khi thực hành thiền định, chúng ta sẽ khó có thể trốn tránh con người thật của mình, khó có thể lảng tránh những vấn đề hiện sinh nói trên.

Đức Phật Thích Ca từng dạy rằng khi thực hành tịnh hóa, nếu chúng ta thành tâm sám hối những nghiệp bất thiện đã phạm phải và phát nguyện sẽ không tái phạm, đồng thời biết tích lũy thiện nghiệp và quy y Phật pháp, thì không có ác nghiệp nào không thể tịnh hóa. Nếu sự thực hành tịnh hóa này thực sự chân thật và thành khẩn, ta sẽ không phải gánh chịu quả báo. Nếu tâm tịnh hóa chỉ chân thật 50%, thì quả khổ sẽ giảm lớn thành nhỏ. Về cơ bản, mức độ đau khổ do ác nghiệp tạo ra sẽ giảm tương ứng với sự thành tâm của chúng ta.

Trên phương diện xúc tình, khi ai đó biết sám hối trước chư Phật và Bồ tát, đồng thời phát nguyện không tái phạm, thì đó cũng là cách tự hoàn thiện mình. Và điều này chắc chắn sẽ giúp làm tâm họ trở nên thanh thản, nhẹ nhõm hơn.

(Trích khai thị của Đức Gyalwa Dokhampa)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,123,721
Số người trực tuyến: