Sự liên hệ qua lại giữa thân và tâm | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Sự liên hệ qua lại giữa thân và tâm

289
25/06/2023 - 18:13

Phần 2: Sự liên hệ qua lại giữa thân và tâm

Bây giờ, có hai khía cạnh khi bàn về việc tịnh hóa nguyên nhân thông qua pháp thực hành Phật Dược Sư. Khía cạnh thứ nhất, sở dĩ chúng ta bị bệnh tật ốm đau là do tổng hợp những nhân duyên, các bất thiện nghiệp mình đã tạo tác trong quá khứ. Chẳng hạn như, nhìn từ góc độ khoa học, chúng ta đều sinh ra với cấu tạo DNA khác nhau, và một số loại DNA có xu hướng dễ bị mắc hơn với một số loại bệnh nhất định. Và do lối sống của chúng ta mà những bệnh này có thể ở dạng tiềm ẩn hay kích hoạt. Vì những nghiệp đã tạo trong quá khứ mà chúng ta được sinh vào một gia đình nào đó, nhận một loại gene nào đó. Trong đời hiện tại, những hành động của chúng ta, những thực phẩm chúng ta ăn, những xúc tình của chúng ta, tất cả đều ảnh hưởng tới sức khỏe và thể chất của bản thân mình. Bởi vậy, bất kỳ những gì chúng ta trải nghiệm trong hiện tại đều là kết quả của những nghiệp ta đã tạo trong quá khứ và ngay cả trong đời này.

Tôi đọc được ở đâu đó rằng một người có thể chết vì bị buồn khổ , thất tình, trái tim tan vỡ, bởi vì điều đó vô cùng đau đớn, và nó để lại một vết thương lòng, một vết sẹo vô hình. Não bộ không thể phân biệt rõ ràng giữa việc bạn bị đánh và bạn bị từ chối, bởi tác động của hai việc này lên não bộ là như nhau. Trong cả hai trường hợp, não bộ đều phát ra những tín hiệu đau đớn như nhau, hoặc sản sinh ra những loại hóa chất tiêu cực nào đó đối với cơ thể mà tôi không rõ. Như vậy chứng tỏ giữa thân và tâm có mối liên hệ rất chặt chẽ.

Quay trở lại với pháp thực hành Phật Dược Sư, theo một cách nào đó thì đây là nỗ lực để tịnh hóa những ác nghiệp đã tạo trong quá khứ, càng nhiều nỗ lực càng tốt. Đồng thời, theo y học Phật giáo truyền thống, 3 nguyên nhân dẫn đến đau bệnh chính là tham, sân và si. Đây là tam độc khiến phát khởi Lhung, Thrip và Bayken, là sự mất cân bằng về ba dạng năng lực/năng lượng khiến phát sinh ra tất cả 424 loại bệnh tật.

Tôi đọc được trong sách rằng bác sỹ y học truyền thống sẽ chẩn đoán được loại độc nào gây nên bệnh tật nào. Chẳng hạn như, những bệnh về Lhung là liên quan tới sân. Trong trường hợp này, ngoài việc uống thuốc, bệnh nhân còn được khuyên nên thực hành tâm từ bi. Tương tự, nếu bệnh liên quan tới tham, ngoài việc uống thuốc, người bệnh được khuyên nên thực hành thiền quán vô thường – tức là bản chất thay đổi của vạn pháp, vì thực hành này sẽ giúp giảm tâm tham. Những phương pháp này dựa trên cơ sở có một mối liên hệ chặt chẽ giữa các xúc tình của chúng ta với những bệnh tật mà ta phải trải qua.

Thậm chí ngay cả trong tây y, người ta cho rằng có rất nhiều mối liên hệ giữa sức khỏe tâm thần với sự khỏe mạnh về thể chất bởi vì ngay lúc này, tâm đang trú ở trong thân. Tôi cũng đọc được ở đâu đó rằng suy nghĩ tích cực là vô cùng quan trọng nếu bạn muốn chữa khỏi bệnh. Tất cả những điều này cho thấy thân vật lý của bạn có một mối quan hệ thống nhất về mặt sinh học (synbiotic) với những xúc tình của chính mình. Đó là lý do vì sao pháp thực hành Phật Dược Sư lại có tác dụng đối với bệnh tật của chúng ta. Điều này không có nghĩa là nếu thực hành pháp Phật Dược Sư, hay những cầu nguyện trường thọ, bạn có thể dễ dàng đạt được bất tử, trừ phi bạn đã đạt được cấp độ thành tựu như Thượng sư Liên Hoa Sinh. Thượng sư Liên Hoa Sinh là một trong số ít chư Phật đã thị hiện không nhập Niết bàn. Người ta nói rằng Ngài vẫn đang sống sau khi đã thành tựu đời sống bất tử tại động thiêng Maratika tại Nepal, sau khi thực hành thành tựu pháp Phật Trường Thọ.

(Trích khai thị của Đức Gyalwa Dokhampa)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,129,358
Số người trực tuyến: