Hai cách để hiểu rõ về tịnh hóa | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Hai cách để hiểu rõ về tịnh hóa

403
28/05/2023 - 20:17

Phần 7: Hai cách để hiểu rõ về tịnh hóa 

Bệnh tật thường liên quan đến lối sống của chúng ta - chẳng hạn như ăn uống, hay bất cứ điều gì. Ví dụ, một người có thể uống nhiều rượu để giải tỏa, lãng quên. Có thể do cảm thấy buồn đau hay gặp khó khăn trong cuộc sống, cũng có thể do ham muốn. Ham muốn của chúng ta là không giới hạn. Thậm chí nếu Đức Lục Độ Phật Mẫu Tara xuất hiện và ban vô số gia trì, tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ không nhớ đến những gia trì đã nhận mà chỉ nhớ đến những điều chúng ta không nhận được.

Hầu như tất cả chúng ta đều như vậy, bạn biết đấy; chúng ta không nhớ rõ những gia trì đó mà cứ mải đếm những gì chúng ta không nhận được. Rất hiếm khi mọi người nói rằng họ đang làm rất tốt. Cảm giác thật vui khi bạn nghe mọi người nói rằng họ đang làm tốt. Thông thường, ngay cả khi cuộc sống đã có nhiều điều tích cực, chúng ta vẫn có xu hướng làm nổi bật những điều tiêu cực do ham muốn vô tận của mình. Cho dù có nhận được bao nhiêu gia trì, chúng ta cũng không thể hoàn thành được tất cả mong nguyện của mình bởi các ham muốn – một khi thúc đẩy bởi lòng tham - sẽ trở nên vô hạn.

Khi chúng ta không thể kiềm chế những ham muốn của mình thì sẽ dẫn đến thất vọng. Thất vọng dần dần dẫn đến sân hận, phiền não v.v... Nếu nhìn lại và chiêm nghiệm, mọi hành vi mang lại khó khăn trong cuộc sống của chúng ta đều gắn liền với những cảm xúc ghen ghét, sân giận, tham muốn v.v... Chính vì vậy, mỗi lần tịnh hóa là chúng ta đang nhắc nhở bản thân rằng bất cứ điều gì ta đang trải nghiệm đều là kết quả của nhân và duyên của chính mình.

Có hai cách hiểu về tịnh hóa. Một cách để hiểu về tịnh hóa là hiểu rằng vì mọi thứ đều là kết quả của nhân và duyên, nên nếu có thể thay đổi lối sống và hành vi của bản thân, tôi có thể thay đổi tương lai của mình. Mỗi khi thực hành tịnh hóa, bạn đang cho mình cơ hội thứ hai; đang cho mình thêm năng lượng để cố gắng đối mặt với tương lai hoặc cố gắng tạo ra tương lai của bạn.

Thứ hai, thực hành tịnh hóa cũng là để nhắc nhở bản thân rằng mặc dù bạn có thể tức giận hoặc chán nản vào một lúc nào đó trong cuộc đời, nhưng đó không phải là bản chất thực sự của bạn. Nếu sự tức giận là bản chất thực sự của bạn, thì bạn phải tức giận từ ngày mình được sinh ra và trong mọi khoảnh khắc cuộc đời. Nhưng không phải như thế. Có thể bạn trở nên tức giận khi bị tổn thương hoặc buồn bã, nhưng đó không phải là bản chất của bạn.

Ví dụ, tôi không nói rằng da trắng hơn hay da ngăm đen hơn. Màu da nào chúng ta sinh ra cũng là màu da tự nhiên của chúng ta, và có thể chúng ta có thể thay đổi một chút bề ngoài bằng kem bôi và trang điểm, nhưng tất cả những lớp trang điểm bên ngoài này không thể thay đổi bản chất của nó. Thông thường, người Himalaya chúng tôi thích da trắng và thoa thật nhiều kem làm trắng. Nhưng kem cũng chỉ làm được đến thế chứ không thay đổi được màu da.

Tương tự như vậy, nếu bản chất của chúng ta là sân giận, chán nản, buồn bã, v.v., thì rất tệ bởi vì chúng ta không thể làm được gì vì không thể thay đổi bản chất của mình. Nếu đúng như vậy, thì chẳng ích gì khi khuyên người khác, con cái hoặc bản thân mình trở thành người tốt hơn, và tất cả những gì chúng ta có thể làm là chấp nhận.

May mắn thay, điều này không đúng. Theo quan điểm của Phật giáo, chúng ta gọi những cảm xúc tiêu cực này là “Bakchak,” nghĩa là một khuôn mẫu theo thói quen tập khí được phát triển qua nhiều kiếp, đặc biệt là trong kiếp này, nhưng những cảm xúc này không phải là bản chất thực sự của chúng ta. Đó là lý do tại sao mỗi khi chúng ta thực hiện tịnh hóa thì đó là một lời nhắc nhở rằng tất cả những cảm xúc phiền não này không phải là bản chất của tôi, và tôi có thể rửa sạch chúng. Mỗi khi thực hành tịnh hóa từ sâu thẳm trong trái tim, về mặt cảm xúc, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn, và từ quan điểm về gia trì, ác nghiệp của bạn sẽ giảm đi rất nhiều.

(Trích khai thị của Đức Gyalwa Dokhampa)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,123,720
Số người trực tuyến: