Bạn đang ở đây
Nếu không muốn nhận quả, thì chúng ta phải tịnh hóa nguyên nhân và các duyên
Pháp tu Phật Dược sư - pháp thực hành giúp tịnh hóa và tiêu trừ mọi bệnh tật bên trong và bên ngoài
Để hỗ trợ cho việc thực hành pháp tu Phật Dược Sư, cũng như trưởng dưỡng trí tuệ hiểu biết về tinh túy pháp thực hành này, sau đây là những khai thị của Đức Gyalwa Dokhampa về pháp Phật Sư, bao gồm 11 phần.
Phần 1: Mối quan hệ nhân duyên
Việc thực hành của chúng ta chắc chắn sẽ trở nên mạnh mẽ và có năng lực hơn nếu được duy trì thường xuyên. Điều này không phải do chư Phật và chư Bồ tát cũng suy nghĩ hành xử giống như phàm phu chúng ta nên các Ngài sẽ đáp trả nhiều hơn khi chúng ta liên lạc tới các Ngài thường xuyên hơn, mà đó là do càng thực hành nhiều thì chúng ta càng thành thục pháp tu, và tăng trưởng tâm chí thành.
Trong quá khứ trước đây, pháp thực hành Phật Dược Sư rất phổ biến ở khu vực Himalaya bởi mọi người đều cầu viện đến pháp tu này khi gặp phải những trọng bệnh mà bác sỹ thông thường phải bó tay. Chẳng hạn như, vào thời mà y học đầu hàng với căn bệnh phong hủi, đã có những câu chuyện về các bệnh nhân được chữa lành bởi pháp Phật Dược Sư. Cho tới ngày nay, vẫn có những bằng chứng tương tự.
Tôi còn nhớ có một người đàn ông từng đến gặp tôi, người này bệnh rất nặng và được tiên liệu là chỉ còn sống thêm được vài tháng nữa. Tôi nói rằng điều duy nhất tôi có thể khuyên ông ấy là thực hành pháp Phật Dược Sư. Sau đó, tôi được biết rằng ông ta đã sống thêm được 7, 8 năm nữa.
Một vài năm trước đây, khi Đức Giáo chủ Jigme Chhoeda đang thực hiện khẩu truyền bộ Đại Tạng Kanjur (Bộ Đại Tạng Kinh Phật), một số người thắc mắc rằng tại sao cần nhận khẩu truyền này và tầm quan trọng của nó là gì. Từ câu hỏi đó, tinh túy của Đại Tạng Kanjur chính là Tam Tạng Kinh điển của Đức Phật bao gồm: Luật – để đối trị tâm tham; Kinh – đối trị tâm sân, và A tỳ đạt ma Luận – giúp đối trị tâm si.
Nói về Luận A tỳ đạt ma, giáo lý của những luận giải này giúp phá chấp sự tồn tại như thật của vạn pháp.
Chẳng hạn như, nếu chúng ta áp dụng giáo lý của A tỳ đạt ma vào để phân tích món ema datsi (món cà ry ớt và pho mai), chúng ta có thể hiểu được món ăn này không thực sự tồn tại. Bởi đó là một tổ hợp do nhiều thành phần tạo nên, gồm ớt, pho mai, bơ và muối. Nếu chúng ta tin rằng có món ema datsi thực sự tồn tại độc lập ngoài những nguyên liệu này, thì đó chính là vô minh. Nếu chúng ta tỉnh giác và hiểu rằng món ema datsi do nhiều thành phần và nguyên liệu tổng hợp mà thành, đồng thời ta cũng hiểu rằng món ema datsi hôm nay có thể có hương vị khác món ema datsi hôm qua, bởi vì các thành phần tạo nên món có thể khác nhau, liều lượng được sử dụng cũng khác nhau. Nguyên lý này cũng áp dụng tương tự đối với chính các thành phần của món. Không có một thành phần nào có sự tồn tại thực sự. Hiểu được nguyên lý này chính là hiểu được rằng ema datsi là kết quả của nhiều yếu tố nhân duyên điều kiện hợp lại mà thành.
Tương tự, ngay cả cơ thể con người dường như chỉ là một thực thể duy nhất, nhưng thực tế là nó được cấu thành từ nhiều bộ phận có mối quan hệ chặt chẽ, lệ thuộc lẫn nhau. Đó là lý do tại sao việc chúng ta ăn một loại thực phẩm nào đó có thể ảnh hưởng tới một bộ phận nào đó của cơ thể, rồi đến lượt mình, bộ phận đó lại ảnh hưởng sang bộ phận khác, rồi lại tiếp tục ảnh hưởng bộ phận khác nữa. Mối quan hệ tương hỗ, ảnh hưởng lẫn nhau như vậy, trong Phật pháp gọi là Lay-Jung-Drey, tức là nhân duyên. Theo giáo lý của A tỳ đạt ma luận, là Phật tử, chúng ta tin rằng bất cứ thứ gì do nhân duyên hợp thành thì đều thay đổi vô thường, không thể còn mãi. Điều này có nghĩa là nếu chúng ta không muốn có kết quả, thì chúng ta phải tịnh hóa nguyên nhân và các duyên. Hay không có nhân duyên điều kiện thì sẽ không có kết quả.
(Trích khai thị của Đức Gyalwa Dokhampa)
- 88 reads