Chân ngôn Bát nhã - Năng lực hiển lộ Trí tuệ tuyệt đối | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Chân ngôn Bát nhã - Năng lực hiển lộ Trí tuệ tuyệt đối

2141
30/06/2019 - 06:08

Kinh Bát nhã có bản dài, vừa và giản lược. Bản dài nhất của Kinh Bát nhã Ba la mật đa được Đức Phật giảng có 108.000 đoạn kệ, bản có độ dài vừa gồm 80.000 đoạn kệ, và cuối cùng là bản giản lược có 8.000 đoạn kệ. Bản ngắn hơn nữa là Tâm Kinh. Và bản ngắn nhất là chỉ duy nhất chữ chủng tử “Ah”.  Toàn bộ ý nghĩa của Kinh này nằm trong chữ chủng tử “Ah”. Vì chữ “Ah” trong tiếng Phạn, hay trong bất kỳ ngôn ngữ nào ở Ấn Độ, ngay cả ngày nay, mỗi khi chúng ta đặt chữ “Ah” làm tiền tố thì đều mang nghĩa phủ định từ đi sau. Từ phủ định “Ah” có nghĩa phủ định sự tồn tại, mang nghĩa không có sự tồn tại thực chắc, tức là Vô ngã.

Câu cuối cùng của Bát nhã tâm kinh được thể hiện bằng một Chân ngôn. Chân ngôn Bát nhã chính là chân ngôn tuyệt đối, là Trí tuệ tuyệt đối.

Cho nên biết Bát nhã Ba la mật đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, vô đẳng đẳng chú, trừ được hết thảy khổ, chân thật không hư.

Vì vậy nói chân ngôn Bát nhã Ba la mật đa: “Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề sa bà ha”.

1. Cách lý giải thứ nhất: Siêu vượt vọng tưởng luân hồi thành tựu Bồ Đề

Chân ngôn Bát nhã “Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề sa bà ha” là phiên âm của tiếng Phạn: “Tadyatha gaté gate paragaté parasamgaté bodhi svaha”. Trong đó, “Tadyatha” có nghĩa là “như vậy” hay “như thị”. “Gaté, gate” có nghĩa là “siêu việt các vọng tưởng nhị nguyên và vô minh”. “Paragaté” nghĩa là “không những vượt qua mà còn siêu việt luân hồi”. “Parasamgaté” nghĩa là “ngay cả các bậc A La Hán đã thoát luân hồi, đã thành tựu phần tự giác ngộ nhưng chưa đạt được toàn giác vì còn cần thực hành Bồ tát đạo, giác ngộ chúng sinh, để giác hạnh viên mãn, tức là thành tựu giác ngộ tối thượng”. “Bodhi svaha” có nghĩa là “khi đã siêu vượt các vọng tưởng luân hồi, chúng ta thành tựu Bồ Đề hay giác ngộ”. Đây là một cách giải thích về ý nghĩa của Chân ngôn Bát nhã.

2. Cách lý giải thứ hai: 5 giai đoạn thực hành trước khi đạt giác ngộ

Một cách diễn giải khác về ý nghĩa của chân ngôn là cách diễn giải của Đại thừa - có năm giai đoạn thực hành trước khi đạt được giác ngộ. Giai đoạn đầu tiên là tích lũy công đức. Giai đoạn thứ hai là khi chúng ta tinh tấn thực hành tu tập trí tuệ tính không. Giai đoạn thứ ba là thời điểm lần đầu tiên chúng ta chứng ngộ tính không, tức là Địa thứ nhất trong mười quả vị của Bồ tát. Địa thứ ba đến Địa thứ bảy trong Thập địa Bồ tát là thực hành kiến đạo. Nếu chúng ta không làm quen với việc thực hành an trụ trong các quả vị Pháp thân này thì sẽ quay lại cách sống trước đây, quay lại cách để tâm sinh vọng tưởng. Đến Địa thứ tám và thứ chín là Bất thoái địa và Thiện tuệ địa, chúng ta đã an trụ gần như trọn vẹn trong Pháp thân không suy chuyển của sự chứng ngộ nhất như. Khi đạt đến Địa thứ mười, chúng ta thành Phật. Từ “gaté” thứ nhất trong chân ngôn Trí tuệ Bát nhã có nghĩa là phần thực hành tích lũy công đức, từ “gaté” thứ hai có nghĩa là phần thực hành kiến đạo, và từ “Parasamgaté” có nghĩa là phần thực hành làm quen. “Bodhi svaha” có nghĩa là khi chúng ta đạt được giác ngộ. Đó cũng là ý nghĩa của Chân ngôn Trí tuệ Bát nhã.

3. Cách lý giải thứ 3: Tiêu trừ quan kiến sai lầm về vạn pháp, Trí tuệ Bát nhã hiển lộ

Ngoài ra vẫn còn cách giải thích khác về chân ngôn. Trong một số giáo pháp nói Tadyatha, rồi sau đó nói Aum - “Aum gaté gate, paragaté”. Aum nêu biểu thân, khẩu, tâm giác ngộ, trong đó “A” nêu biểu tâm giác ngộ; “U” nêu biểu khẩu giác ngộ; “M” nêu biểu thân giác ngộ. Một cách giải thích khác là “A” nêu biểu Phật, tức là tâm giác ngộ, “U” nêu biểu Pháp, tức là khẩu giác ngộ, và “M” nêu biểu Tăng, tức là thân giác ngộ. Tiếp theo là “gaté gaté”. Từ “gaté” đầu tiên có nghĩa là “tiêu trừ” - tiêu trừ quan kiến sai lầm về vạn pháp, cho rằng vạn pháp đều tồn tại thực chắc như vẻ bề ngoài của chúng. Từ “gate” thứ hai có nghĩa là sau khi đã tiêu trừ quan kiến nhị nguyên này, Trí tuệ Bát nhã hiển lộ. “Paragaté” có nghĩa là vượt qua bể luân hồi, và “parasamgaté” có nghĩa là không những đã vượt qua bể luân hồi mà còn vượt qua hết, siêu việt tất cả, giống như thực hành Bồ tát đạo. Đến lúc đó, chúng ta đạt được thân, khẩu, tâm giác ngộ và chứng đắc “bodhi svaha”. Cụm từ này mang nghĩa là “thành tựu” Trí tuệ Bát nhã. Đến lúc đó, mọi công hạnh an bình hay uy mãnh của bậc giác ngộ đều vì lợi ích khắp thảy chung sinh.  

Vì thế Đức Phật được gọi là Thế Tôn, bậc Ban gia trì, bậc Hộ trì chúng sinh, bậc Giác ngộ, bậc Tỉnh giác. Nguyên tác tiếng Phạn luôn dùng thuật ngữ “Tathagata” - tức là Như Lai - bậc đã tiêu trừ mọi vọng tưởng nhị nguyên. Khi mọi vọng tưởng nhị nguyên bị tiêu trừ, giác ngộ sẽ hiển lộ một cách nhậm vận tự nhiên. Khi màn đêm tan biến, ánh sáng mặt trời sẽ rọi chiếu.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,030,252
Số người trực tuyến: