Bạn đang ở đây
Đức Pháp Vương khai thị: Cốt lõi của Trí tuệ Bát nhã (P1)
Nội dung Bát Nhã Tâm Kinh
Bát Nhã Tâm Kinh là tinh hoa của tư tưởng Phật giáo Đại thừa và là giáo pháp nền tảng của Phật giáo Kim cương thừa. Theo trí tuệ Bát nhã, cuộc đời là như huyễn, không thực bởi mọi thứ thay đổi vô thường, đến và đi, tùy thuộc vào nhân duyên. Nói cách khác, cuộc đời là Không. “Không” thường dễ bị hiểu nhầm theo hướng tiêu cực là triệt tiêu. Bát nhã đưa ta thoát khỏi quan niệm “Không” cực đoan này để trở về với Trung đạo. Trung đạo vẫn mang ý tưởng rằng “đời là Không”, tuy nhiên “Không” ở đây chẳng khác với “Có”, bởi vì, “Không mà là Có, Có rốt ráo thực chất lại là Không”. Như vậy, Trung đạo không phải là sự triệt tiêu, tiêu cực mà là cái nhìn rất sâu sắc, thực tế và tích cực về cuộc đời.
Bát Nhã Tâm Kinh thể hiện con đường Trung đạo, trong khi trình bày nhanh chóng tất cả những giáo lý Phật giáo truyền thống, từ Nguyên thủy đến Đại thừa. Học Bát Nhã Tâm Kinh chính là học toàn bộ tinh túy Phật pháp.
(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)
Cốt lõi của Trí tuệ Bát nhã
“Bồ tát Quán Tự Tại thực hành sâu xa pháp Bát nhã Ba la mật đa. Ngài soi thấy năm uẩn đều không, độ thoát hết thảy khổ ách.
Này Xá Lợi Tử! Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc. Sắc tức là Không, Không tức là Sac. Thụ, tưởng, hành, thức cũng đều như thế”.
Ở đây, Bồ tát là viết tắt của “Bồ đề tát đỏa” (tiếng Phạn la Bodhisattva), có nghĩa là “bậc Giác ngộ”. Tu Bồ tát đạo là con đường Đại thừa dẫn đến giác ngộ. Con đường này được gọi là Lục độ Ba la mật, bao gồm: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Khởi đầu con đường tu Bồ tát đạo này, điều trước tiên hành giả phải thực hiện là phát tâm Bồ đề - tâm nguyện đạt đến giác ngộ nhằm giúp chúng sinh cùng đạt giác ngộ - đó là lời thệ nguyện thiêng liêng, đầy lòng vị tha của hành giả đã phát Bồ đề tâm.
Quán Tự Tại là danh hiệu khác của Đức Quan Âm. Quán Tự Tại có nghĩa là an trụ trong chân tâm, cho nên đối với các pháp Ngài đều tự tại. Còn Quan Âm hay Quan Thế Âm là quán sát, lắng nghe âm thanh của thế giới để cứu khổ độ nạn. Một tên Phạn với hai cách dịch nghĩa hơi khác nhau: Khi nói về thể tính trí tuệ thì đó là Quán Tự Tại; khi nói đến lòng Từ bi lắng nghe tiếng kêu cứu khổ của chúng sinh trong luân hồi đau khổ thì đó là Quan Thế Âm.
(Đức Bát Nhã Phật Mẫu)
Ngoài việc là danh hiệu của Đức Quan Âm, tên gọi “Bồ tát Quán Tự Tại” cũng được dùng để chỉ bất cứ ai đã đạt giác ngộ, có thể quán sát chân thực, không sai lệch, về bản thân và vạn pháp. “Ngũ uẩn” gồm sắc, thụ, tưởng, hành và thức. Năm uẩn (hay năm tổ hợp) này kết hợp với nhau tạo nên chúng sinh. Sắc là phần vật chất cua cơ thể chúng ta. Thụ, tưởng, hành, thức (cảm thụ, suy nghĩ, sự vận hành vi tế của tâm thức, và thức) tạo nên phần tinh thần.
“Bồ tát Quán Tự Tại soi thấy năm uẩn đều không. Sắc tức là Không, Không tức là Sắc, Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc”.
Hai câu đầu của Bát Nhã Tâm Kinh có nghĩa là: “Khi bậc Giác ngộ tu tập Trí tuệ Bát nhã thâm sâu, quán sát được bản chất thực tại, bậc đó nhận ra chính mình là Không, vì thế mà vượt qua mọi khổ đau”. Ta cần tránh cách hiểu sai lệch rằng tính không là một thực tại tuyệt đối hay sự thật, mà phải hiểu đó là tự tính của mọi sự vật hiện tượng. Trong Kinh dạy: “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc, Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc”. Những câu này không bàn về Đại Không nào đó tồn tại riêng rẽ mà đang nói về tự tính Không của vạn pháp, trong câu này nói về tự tính Không của Sắc.
(Cầu nguyện cúng dàng đèn tích lũy trí tuệ)
Câu “Sắc tức là Không” gợi ý rằng tính không của Sắc không là gì khác ngoài tự tính tuyệt đối của Sắc. Sắc không hề có tự tính cố hữu hay sự tồn tại độc lập; do đó bản chất của Sắc là Không. Tự tính Không này cũng không độc lập với Sắc mà là một thuộc tính của Sắc. Ta phải hiểu Sắc và Không là nhất như, bất khả phân, không phải hai thực tại độc lập với nhau. Hãy cùng đi sâu vào câu “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc”. Vế đầu tiên, “Sắc tức la Không”, có nghĩa là cái mà ta gọi là Sắc được tạo nên từ sự hợp thành của nhiều nhân và duyên chứ không tự hình thành. Sắc là một pháp giả hợp, được tạo thành từ nhiều nhân duyên. Bởi chỉ được hình thành và tồn tại nhờ nhân duyên hợp thành, Sắc không có thực tại vững chắc nào, và do đó trong Kinh mới dạy Sắc là Không.
Tiếp theo là câu “Không tức là Sắc”. Vì Sắc không tự tồn tại nên không thể tách rời khỏi các pháp khác. Bơi tính chất thay đổi, phụ thuộc vào các điều kiện khác này, Sắc không bất biến, mà thay vào đó có thể thay đổi và chịu ảnh hưởng của nhân duyên. Nói theo cách khác, bởi Sắc được tạo thành từ các nhân duyên hòa hợp và không có sự tồn tại độc lập, bất biến, nên nó có thể tương tác với các Sắc và nhân duyên khác. Đây là một thực tại phức tạp và có sự tương tác với nhau. Bởi Sắc không tự tồn tại độc lập, ta có thể nói Không tạo ra Sắc. Vậy vế “Không tức là Sắc” có thể hiểu theo nghĩa tính không hóa hiện ra Sắc, Sắc là sự hiện bày của tính không, Sắc bắt nguồn từ tính không.
Để hiểu về câu này, chúng ta cần suy ngẫm về luận giải của Đức Long Thọ rằng vạn pháp tồn tại ở cấp độ tương đối nhưng không hề có sự tồn tại độc lập, bất biến ở cấp độ tuyệt đối. Tính không hàm ý nói đến duyên khởi. Quả phụ thuộc vào nhân, nhưng ở góc độ duyên khởi, chúng ta cũng có thể nói rằng nhân phụ thuộc vào quả, và chủ thể thực hiện hành động cũng như đối tượng của hành động cùng phụ thuộc lẫn nhau
Vì vạn pháp phụ thuộc vào các nhân duyên khác, nên không có sự tồn tại độc lập, nhưng vạn pháp không phải là không tồn tại. Vừa không phải là không tồn tại song lại không có sự tồn tại độc lập nên vạn pháp, tức là mọi sự vật hiện tượng trong thế gian, chỉ tồn tại do tâm gán ghép danh ngôn khái niệm. Đây là bước khởi đầu quan trọng trong thực hành Phật pháp. Những người chưa tu tập Phật pháp thường nghĩ rằng chúng ta tồn tại một cách chắc thực và vĩnh viễn. Thái độ cực đoan này được gọi là chấp có (bám chấp vào cái tôi và các sự vật hiện tượng, cho rằng chúng là có thật).
Phật pháp dạy rằng sự hiện hữu của chúng ta là không thực - sự hiện hữu đó vô thường và hư huyễn, vì vậy nó là Không. Không nhiều khi được hiểu la ngược với Có, hay phủ định Có. Có là Sắc, tức là mọi hiện hữu, mọi sự vật hiện tượng. Một số người hiểu rằng Không có nghĩa là mọi sự vật, hiện tượng đều không tồn tại. Cách hiểu như vậy là quan kiến cực đoan chấp không, tức là bám chấp vào cái Không.
Xá Lợi Tử là một đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong Bát Nhã Tâm Kinh, Đức Xá Lợi Tử được nhắc đến hai lần, mỗi lần nêu biểu cho một bước phát triển quan trọng về ý nghĩa của Không trong lịch sử Phật giáo.
Còn tiếp...
(Trích từ ấn phẩm Đức Phật Quan Âm - Thần lực Đại bi gia trì, Drukpa Việt Nam biên soạn)
- 2041 reads