Hạnh Xả ly -Giáo pháp tinh tế và thâm diệu (phẩm thứ 2) | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Hạnh Xả ly -Giáo pháp tinh tế và thâm diệu (phẩm thứ 2)

1045
21/12/2021 - 18:00
Để trở thành một hành giả vĩ đại chân chính, ngoài việc thực hành giáo pháp của Đức Phật, chúng ta phải tránh tự trói buộc xiềng xích quanh mình. Chúng ta phải tránh bất cứ môi trường nào tạo duyên cho điều đó xảy ra. Phật pháp vô cùng thiện xảo, linh hoạt nhiệm mầu bởi trong mọi khó khăn chúng ta sẽ luôn có giải pháp. Nếu biết xả bỏ từ bên trong thì chúng ta có thể thực hành Phật pháp trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
 
གཉེན་གྱི་ཕྱོགས་ལ་འདོད་ཆགས་ཆུ་ལྟར་གཡོ།   །
NYEN GYI CHHOG LA DÖE CHHAG CHHU TAR YO/
Với người thân mến tâm tham luyến,
Gió lòng lay động lũ cuốn thân.
དགྲ་ཡི་ཕྱོགས་ལ་ཞེ་སྡང་མེ་ལྟར་འབར།   །
DrA YI CHHOG LA ZHE DANG ME TAR BAR/
Sân hận oán hờn tựa lửa thiêu.
Với kẻ không ưa tâm hiềm giận,
བླང་དོར་བརྗེད་པའི་གཏི་མུག་མུན་ནག་ཅན།   །
LANG DOR JE PEI TI MUG MUN NAG CHEN/
Vô minh quên hẳn Chân giáo pháp,
Nên còn thủ xả mãi si mê.
ཕ་ཡུལ་སྤོང་བ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན།   ༢།
PHA YUL PONG WA GYEL SÉ LAG LEN YIN/
Nay giã từ quê hương bám chấp,
Xả ly chấp trước Phật tử hành.
Có một loài côn trùng mà tôi không nhớ tên là gì có thể tiết ra nước bọt là dịch thể vô cùng dính kết từ miệng. Thứ nước bọt này sẽ từ từ bao phủ khắp toàn thân và hậu quả là đến lúc nào đó loài côn trùng bị giết chết bằng chính nước bọt của chúng. Tự bản thân chúng gây ra điều đó. Tôi cũng không biết vì sao điều này xảy ra, nhưng đó chính là nghiệp. Chúng tôi luôn nêu thí dụ này ra vì điều này rất giống với những gì chúng ta đang làm. Chúng ta tự xiềng xích chính mình bằng sự bám chấp cho tới khi chúng ta không còn biết làm thế nào để cử động được. Không chỉ vậy, chúng ta còn không thể có lựa chọn nào cả. Cho dù bị thiêu đốt bởi lửa sân giận, chìm đắm trong biển tham dục hay ngập tràn sự căm ghét, cách nào chúng ta cũng luôn đau khổ. Và sau hết, đôi khi chúng ta có thể nhận thức được điều này song đến lúc đó gần như không thể nào thoát ra khỏi được nữa.
 
 
Hạnh xả ly là giáo pháp vô cùng tinh tế và thâm diệu, không dễ dàng để đàm luận chút nào. Để có thể xả ly, bạn hẳn phải rất thông minh hoặc rất ngốc nghếch. Những người ở khoảng lưng chừng khó có thể làm được điều này. Đa số những người ngờ nghệch đang cố gắng bắt đầu, chẳng hạn một số từ phương Tây, những nước hiện đại, văn minh như Nhật Bản, khi nghe thấy xả ly là điều quan trọng, họ liền rời bỏ tất cả và bỏ đi. Rồi họ làm như đang thực hành và xả ly song thực chất họ chẳng hề xả ly thực sự mà chỉ càng bị chìm đắm sâu hơn. Họ có thể thử tới Ấn Độ - thông thường nơi thích hợp nhất là Ấn Độ hoặc Nepal vì chi phí ở đây không quá đắt đỏ. Chỉ với 100 đô la Mỹ, họ có thể sống tử tế và vui vẻ trong suốt ba tháng. Và họ rất hài lòng cho rằng mình đã thực sự ”xả ly”. Song đó không phải là cách để xả ly. Xả ly cần phải đi kèm với trí tuệ hay sự thấu hiểu từ bên trong.
 
 
Xả ly chân thực cần phải được hình thành từ hiểu biết thực sự
Xả ly cần phải song hành với không bám chấp. Không bám chấp cũng phải bắt nguồn từ sự xả ly từ bên trong, xả chấp từ bên trong - hay sự thấu hiểu sâu sắc thế nào là xả ly và không bám chấp. Trước tiên chúng ta cần trưởng dưỡng sự xả ly từ bên trong. Sự xả ly bên ngoài là cần thiết song điều quan trọng hơn là sự xả ly và không bám chấp từ bên trong. Đây chính là điều chúng ta đang thiếu. Là những hành giả thực hành giáo pháp, chúng ta cần chú trọng tới điều này bất kể chúng ta đang làm gì. Chẳng hạn, những người tới Nepal và cho rằng mình đang thực hành sự xả ly, song họ sống ở đây chẳng qua bởi vì cuộc sống ở đây không quá đắt đỏ và dễ dàng. Tôi không hề nói tất cả những người làm như vậy đều là vô nghĩa. Nhưng vấn đề cốt lõi ở đây là họ có thực sự xả ly hoàn toàn hay vì những lý do khác. Những câu hỏi như vậy thậm chí còn không nên đặt ra bởi xả ly phải là sự xả chấp thực sự, xả ly thực sự. Sự xả ly từ bên trong cần được trưởng dưỡng trước tiên, rồi sau đó, sự xả ly bên ngoài có được trưởng dưỡng hay không còn tùy thuộc vào hoàn cảnh.
 
 
Sự xả ly từ bên trong cần phải được trưởng dưỡng thông qua sự hiểu biết về tính không.
Chẳng hạn như hiểu biết về sự hiện hữu của một ngôi nhà. Trong kinh điển nói rằng để có thể giải thoát, hành giả thực hành Bồ tát hạnh cần phải rời bỏ ngôi nhà của mình và đi tới những nơi không còn phát sinh xúc tình của sự bám chấp. Ngôi nhà được coi là nơi tạo ra rất nhiều ham muốn, rất nhiều sự ganh ghét và rất nhiều xúc tình tiêu cực. Nhưng nếu bạn không có sự xả ly từ bên trong thì việc rời bỏ Nhật Bản để sang Mỹ chẳng hạn có thể gây ra cho bạn nhiều rắc rối và thậm chí còn nhiều súc tình hơn. Cho dù sống ở Mỹ bạn có thể thoải mái về vật chất hơn, song việc rời khỏi Kyoto để đến San Francisco mua một ngôi nhà khác liệu có nghĩa lý gì? Rồi bạn cũng sẽ mua một ngôi nhà, kế đó là tìm một cô vợ hoặc một anh chồng, xây dựng gia đình và mua một chiếc xe hơi, và rồi bạn cũng sẽ giống hệt như khi bạn ở Kyoto. Vì vậy, điều tôi muốn nói ở đây là trước khi rời bỏ ngôi nhà của bạn, bạn cần phải phá tan mọi ảo tưởng và xả ly vạn pháp từ bên trong. Bạn cần hiểu biết về điều đó cho dù bạn có đang ở Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ hay bất cứ đâu. Rồi dần dần chúng ta sẽ có thể giảm bớt được sự bám chấp nặng nề của chúng ta.
 
 
 
Một khi đã bị xiềng xích trói quanh, bạn gần như không thể gỡ nó ra được nữa. Tuy nhiên, nếu đã trót trói buộc mình, bạn cần biết rằng chúng ta vẫn còn có hy vọng. Phật pháp vô cùng thiện xảo, linh hoạt nhiệm mầu bởi trong mọi khó khăn chúng ta sẽ luôn có giải pháp. Nếu biết xả bỏ từ bên trong thì chúng ta có thể thực hành Phật pháp trong bất kỳ hoàn cảnh nào!
 
(Trích ấn phẩm Ba bảy phẩm Bồ Tát Hạnh - Drukpa Việt Nam biên dịch và phát hành)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,131,159
Số người trực tuyến: