Bạn đang ở đây
Bản đồ giải thoát khỏi đau khổ
2236
05/10/2023 - 19:47
Đọc trọn vẹn 37 Phẩm Bồ Tát Hạnh - hay 37 Pháp thực hành của Bồ tát - là bước chân vào một cuộc hành trình khám phá, bởi mỗi pháp thực hành trong tác phẩm này như ánh tuệ đăng soi rọi cho chúng ta vững bước trên con đường tiến tới giác ngộ tối thượng. Mỗi câu chữ trong 37 câu kệ được Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa giải thích một cách cặn kẽ và khéo léo với giọng văn gần gũi bình dị, đều tập trung nói về sự vô minh của chúng ta và đồng thời giảng cho chúng ta hiểu được những nguyên nhân của đau khổ, giúp chúng ta lìa bỏ những nguyên nhân gây ra khổ đau, áp dụng con đường chấm dứt nỗi khổ và nhận ra rằng đau khổ thực sự có thể được đoạn trừ.
Đỉnh lễ Quán Âm Đại Bi Chủ
Tuy thấy vạn pháp vô lai khứ
Duy chỉ một lòng lợi chúng sinh
Trước Bản tôn Đức Quán Thế Âm
Con thường đem ba nghiệp cung kính lễ
Chí thành quy mạng Đại Bi Quán Thế Âm,
Đức Phật của lòng từ bi vô lượng.
Những ai trong những kiếp luân hồi,
Đã thấy rõ mỗi pháp vốn là tính không
Mới sẵn lòng dâng trọn thời gian và nỗ lực
Chỉ canh cánh trong lòng mong nguyện lợi ích chúng hữu tình
Hướng về chư Thượng sư cùng Đức Quán Thế Âm
Đấng bảo hộ của muôn loài, với tâm thành kính sâu xa nhất
Con dập đầu đỉnh lễ mãi quy y
Nguyện đem ba nghiệp thanh tịnh cúng dường phụng sự Ngài.
Câu đầu tiên xưng tán bậc Thượng sư Avalokiteshvara (ND: Đức Quán Thế Âm). Vì sao lại là Đức Avalokiteshvara mà không phải Đức Phật Thích Ca hay các vị Bồ tát khác? Bởi vì Avalokiteshvara là vị Phật hiện thân của lòng Đại từ Đại bi. Tinh túy của Ngài là tâm từ bi, và đây cũng là căn bản của tất cả chư Phật. Không có một Đức Phật nào không có tâm từ và tâm bi, cũng như không có con đường nào đưa tới Phật quả mà không trải qua sự thực hành trưởng dưỡng những phẩm hạnh vĩ đại của từ bi. Vì vậy, chúng ta cung kính đỉnh lễ Đức Phật hiện thân của lòng từ bi, chứ không phải là chư Phật hay vị Bồ tát nào khác. Đức Nagarjuna dạy rằng: lòng từ bi giống như “nước cần thiết cho mùa màng”. Người ta cần tưới nước khi xới đất làm đồng, khi những cây trồng bắt đầu nảy mầm và ngay cả khi cây đang lớn. Cũng như vậy, lòng từ bi rất quan trọng đối với một hành giả khởi đầu trên con đường tu tập tâm linh cho đến mãi sau này, khi tiến lên con đường Thập địa. Ngay cả khi chứng đạt Phật quả thì tâm đại bi vẫn là căn bản cho hết thảy chúng sinh. Bởi thế, tâm từ bi cần thiết từ giai đoạn đầu, giai đoạn giữa và giai đoạn cuối trên hành trình tâm linh.
Do tầm quan trọng của tâm đại từ bi nên chúng ta quy y Đức Quán Thế Âm hay vị Phật của lòng bi mẫn. Là những chúng sinh phàm tình còn đầy vô minh, chúng ta chưa đủ trí tuệ để trực tiếp nhận ra lòng từ bi chân thật. Vì vậy, những hình tướng bên ngoài của Đức Avalokiteshvara trong các bức tranh Thang-ka hoặc các bức ảnh sẽ giúp cho chúng ta dễ quán tưởng các Ngài. Hình tướng bên ngoài của một Bản tôn Từ bi hoặc một Bản tôn An bình đều là sự thể hiện hay hiện thân của lòng đại từ bi. Tác phẩm đặc biệt này hướng dẫn về các công hạnh nên làm hay không nên làm của chư Bồ tát. Những lời hướng dẫn vô cùng rõ ràng. Tác phẩm do một Bồ tát người Tây Tạng, Đức Nulchu Thogmed Zangpo (1245-1369), một bậc Thầy về Kinh điển và logic biên soạn. Chính Ngài đã giác ngộ lòng từ bi chân thật một cách vô cùng sâu sắc. Tác phẩm mà Ngài đã từ bi ban cho chúng ta xuất phát từ tâm giác ngộ của Ngài. Tuy nghi quỹ này dạy về 37 Phẩm hạnh của chư đại Bồ tát, nhưng đây là sự thực hành cần thiết cho tất cả những ai muốn tìm về cội nguồn hạnh phúc chân thật.
(Trích ấn phẩm Ba bảy phẩm Bồ Tát Hạnh - Drukpa Việt Nam biên dịch và phát hành)
Kẻ thù bên trong chúng ta là ai? (06-03)
- 2236 reads