Nếu ác nghiệp khiến chúng ta đổ bệnh thì việc tích lũy thiện nghiệp có thể chữa lành chính bệnh đó | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Nếu ác nghiệp khiến chúng ta đổ bệnh thì việc tích lũy thiện nghiệp có thể chữa lành chính bệnh đó

341
22/07/2023 - 15:26

Phần 5: Nếu ác nghiệp khiến chúng ta đổ bệnh thì việc tích lũy thiện nghiệp có thể chữa lành chính bệnh đó  

Không có ai trên đời này muốn bị ốm đau. Vì thế, tôi luôn mong muốn được chia sẻ với mọi người về giáo pháp chữa lành của Đức Phật Dược Sư. Có một thực tế là, dù bệnh tật là điều không tránh khỏi song điều đó chẳng được ai hoan nghênh, thậm chí mọi người đều có xu hướng tránh nghĩ và đối diện với chúng. Ngay như bản thân tôi vốn thường có thói quen lên lịch trình Phật sự suốt cả năm, rồi đến hôm bất chợt bị ốm, bị bị cảm lạnh, tôi chợt nhận ra mình đã quên đưa việc này vào lịch trình. Hầu như lúc nào chúng ta chúng ta cũng nghĩ mình sẽ không bị bệnh. Chúng ta luôn lên kế hoạch mà không nghĩ rằng mình có thể bị bệnh hoặc thậm chí có thể chết. Niềm tin sai lầm của con người về sự bất tử thường rất mạnh cho đến khi chúng ta ngã bệnh và sau đó nhận ra thực ra thân thể hay mạng sống của mình rất mong manh. Chúng ta dễ bị tổn thương trước hậu  quả của những hành động mà mình đã tạo ra, lối sống tiêu cực của chúng ta sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại.

Thực hành Đức Phật Dược Sư cho chúng ta hy vọng rằng nếu bệnh tật có nguyên nhân từ những hành động tiêu cực của mình, thì chúng ta cũng có thể tự chữa lành bằng cách chủ động tạo ra những điều thiện lành, những hành động tích cực. Nếu bệnh tật xảy ra không phải do những nhân duyên điều kiện mà do ý trời hay tai nạn ngẫu nhiên nào đó, thì rõ là chúng ta sẽ không có cơ hội gì để tự chữa lành, ngoài việc sẽ cúi đầu phải chấp nhận điều đó.

Nhìn chung, nếu tin và hiểu rõ về luật nhân quả thì chúng ta sẽ luôn có cái nhìn tích cực về cuộc sống vì hiểu rằng tình trạng hôm nay là kết quả của những hành động hôm qua, và tiến triển ngày mai sẽ là kết quả của những hành động ta làm hôm nay. Mối quan hệ này cho thấy chúng ta luôn có thể thay đổi tương lai của mình.

Chỉ khi tin rằng mọi sự vật hiện tượng tồn tại là do những nguyên nhân và điều kiện khác nhau kết hợp, khi đó chúng ta mới có thể hành động hướng tới việc thay đổi tương lai theo cách mình mong muốn. Ví dụ, về mặt khoa học, chúng ta được dạy rằng mọi thứ, dù dưới dạng chất lỏng, chất khí hay chất rắn, đều được tạo thành từ vật chất, và bản thân vật chất cũng không phải một thực thể đơn lẻ mà bao gồm nhiều hợp chất khác. Không có bất kỳ một sự vật nào phát sinh từ một nguyên nhân và điều kiện, mà tất cả được tạo nên khi nhiều nhân duyên và điều kiện kết hợp với nhau. Với hiểu biết về nhân duyên và điều kiện quyết định sự tồn tại của một vật chất nào đó, ta có thể thay đổi được vật chất đó. Ví dụ, người phát minh ra tủ lạnh hiểu điều kiện để biến nước thành đá và do đó, tủ lạnh cung cấp các điều kiện cần thiết cho sự thay đổi này.

Tương tự như vậy, giả sử chúng ta muốn thay đổi điều gì đó trong thế giới vật chất, trước tiên ta phải hiểu rằng những gì mình thấy là kết quả của nhiều nguyên nhân và điều kiện. Ví dụ, nếu bị làm phiền bởi âm thanh, chúng ta phải nhận ra rằng âm thanh đó không tồn tại một cách cố hữu mà là kết quả của nhiều nhân duyên và điều kiện khác nhau. Đó là lý do tại sao những người khác nhau lại có những sở thích âm nhạc khác nhau.

Một ví dụ khác, nếu người yêu gọi bạn là anh yêu hay em yêu hay “cưng”, bạn sẽ thấy rất gần gũi dễ thương nhưng nếu một người ngẫu nhiên nào đó trên đường cũng gọi bạn như vậy, bạn sẽ cảm thấy mình đang bị trêu ghẹo. Tương tự như vậy, nếu bị phiền não do trầm cảm hay lo lắng, bạn phải hiểu rằng những trạng thái tâm, những xúc tình này không tồn tại chắc thật mà do nhiều nguyên nhân và điều kiện tạo nên. Trầm cảm hay lo lắng không phải điều cố hữu, luôn gắn liền với một người nào. Nếu như vậy, thì người đó hẳn là sinh ra đã bị trầm cảm. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng trải qua điều này: hôm qua mình thấy hạnh phúc vui vẻ, mà hôm nay điều đó đã trở thành ký ức. Và có thể hôm nay ta lại gặp chuyện không vui. Nhưng ngày mai thì khó khăn này cũng sẽ chỉ còn là một kỉ niệm. Khi nhìn vào tâm, bất cứ cảm xúc nào phát sinh, dù buồn hay vui, chúng ta không thể tìm thấy bất cứ thứ gì hữu hình, cố định để có thể chấp vào và nói, “Ồ, đây là nỗi buồn. Còn đây là hạnh phúc.” Thiền định không có nghĩa là bạn ngồi trong tư thế như một xác sống zombie, mà nó có nghĩa là khám phá những cảm xúc của bạn, để hiểu bản chất tâm bạn.

Một số nhân duyên và điều kiện có thể thấy rõ, chẳng hạn như khi bạn tăng nhiệt độ của máy sưởi trong phòng, căn phòng trở nên ấm hơn. Mặt khác, một số nhân duyên và điều kiện lại vô hình như nghiệp từ kiếp trước và kiếp này – như tôi đã đề cập - tại sao bạn sinh ra ở nơi bạn sinh ra, tại sao một số người trong chúng ta sinh ra với một số bệnh di truyền, v.v. Những điều này là do nghiệp quá khứ. Những xúc tình phát khởi và khả năng xử lý căng thẳng của chúng ta là hành động của ta trong cuộc sống này.

Mục đích của thực hành pháp Phật Dược Sư là để giải quyết những hậu quả của nghiệp quá khứ và cả hiện tại.

(Trích khai thị của Đức Gyalwa Dokhampa)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,134,576
Số người trực tuyến: