Bạn đang ở đây
3 yếu tố cốt yếu trên con đường thực hành Bồ tát hạnh (phẩm thứ 1)
དལ་འབྱོར་གྲུ་ཆེན་རྙེད་དཀའ་ཐོབ་དུས་འདིར། །
DEL JOR DrUB CHHEN NYÉ KA THOB DÜE DIR/
Đời nay may mắn được thân người,
Thuyền lớn đủ 18 duyên hy hữu.
བདག་གཞན་འཁོར་བའི་མཚོ་ལས་བསྒྲལ་བྱའི་ཕྱིར། །
DAG ZHEN KHOR WEI TSHO LÉ DrEL JEI CHHIR/
Vì muốn ta người mau thoát khỏi,
Biển lớn luân hồi ngập khổ đau.
ཉིན་དང་མཚན་དུ་གཡེལ་བ་མེད་པར་ནི། །
NYIN DANG TSHEN DU YEL WA MÉ PAR NI/
Ngày đêm siêng năng không lườì biếng
ཉན་བསམ་བསྒོམ་པ་རྒྱལ་སྲས་ལག་ལེན་ཡིན། ༡།
NYEN SEM GOM PA GYEL SÉ LAG LEN YIN/
Văn-Tư -Tu, Bồ tát hạnh nên hành
Phẩm thứ nhất trong 37 Phẩm nhắc tới tầm quan trọng khi có được thân người quý giá. Chúng ta đã có được điều này và đây thực sự là một thắng duyên lớn lao. Câu kệ ví thân người giống như một con thuyền. Luân hồi giống như một đại dương hoặc một dòng sông rộng lớn đầy sóng gió hiểm nguy mà chúng ta phải vượt qua. Biển khổ rộng lớn muôn trùng nhưng chúng ta đã có thuyền. Nếu không có một con thuyền như vậy chúng ta sẽ vô cùng tuyệt vọng. Và điều duy nhất chúng ta cần làm là bước lên con thuyền đó và học cách chèo thuyền. Điều này cần có kỹ năng và chúng ta cần phải thực hành miên mật ngày đêm, không để lãng phí đi phút giây nào trong kiếp người quí giá.
Văn: Lắng nghe
Chúng ta cũng cần có kiến thức thuộc về tri thức và những kiến thức thuộc về trải nghiệm. Kiến thức thuộc tri thức sẽ đến trước, chúng ta cần thiết lắng nghe giáo pháp và chiêm nghiệm về giáo pháp. Nếu bạn không lắng nghe hoặc không lân mẫn một bậc Thầy thì điều này sẽ hơi khó khăn. Bậc Thầy vô cùng quan trọng. Bạn cần phải lắng nghe giáo Pháp chân chính được tuyên thuyết bởi một bậc Thầy chân chính. Sau khi lắng nghe, bạn cần chiêm nghiệm về giáo pháp. Bạn cần suy nghĩ rất nhiều, rất miên mật, nghĩ đi rồi nghĩ lại về những giáo pháp này. Trước khi có được kiến thức trải nghiệm thì đây là điều cốt yếu.
Hầu như mỗi Đức Phật, mỗi bậc Bồ tát, mỗi bậc Thánh nhân hay bậc Thầy đã đạt tới Phật quả và giác ngộ đều nhờ vào khả năng biết lắng nghe giáo pháp từ một bậc Thầy chân chính. Nếu không có sự hướng đạo từ một bậc Thầy giác ngộ thì chúng ta sẽ chẳng có cách nào đạt được quả vị Giác ngộ. Ở mức độ ban đầu, chúng ta không thực sự hiểu từ bi, đau khổ hay giác ngộ là gì. Bởi chúng ta hoàn toàn vô minh. Vì vậy, để có thể thức tỉnh chính mình thì lắng nghe giáo pháp từ bậc Thầy là điều thực sự cần thiết. Những hành giả thụ Bồ tát giới Đại Thừa như chúng ta đây đương nhiên cần thực hành các công hạnh như biết lắng nghe, trau dồi và thiền định với động cơ giải thoát mọi chúng hữu tình. Đây là một điểm cốt yếu vô cùng quan trọng.
Tư: Tư duy, chiêm nghiệm
Trên bước đường hành Bồ tát đạo, hành giả luôn cần phát khởi, duy trì trưởng dưỡng động cơ chân chính, không chỉ khi lắng nghe hay nghiền ngẫm giáo pháp trong thiền định, mà ngay cả trong lúc làm những việc tưởng như không liên quan nhất như đi vệ sinh hay khạc đờm. Tất cả những điều này cần phải được hồi hướng cho lợi ích hết thảy chúng sinh. Khạc đờm là một việc rất nhỏ và ít được coi trọng, thế nhưng lại có thể vô cùng lợi lạc đối với rất nhiều chúng sinh như quỷ đói hay những linh hồn vất vưởng chẳng có gì để ăn và chẳng hề được sở hữu chút gì do các ác nghiệp của họ tạo nên. Song với động cơ chân chính, nếu bạn khạc đờm và chú nguyện hồi hướng cho những chúng sinh này thì việc đó vẫn có thể lợi ích cho họ, bởi việc họ có được hưởng điều đó hay không còn tùy thuộc vào nghiệp quả của họ.
Nên nhớ trên con đường Bồ tát đạo, bất kỳ điều gì bạn làm, cho dù là những việc vô cùng đơn giản như bước vào trong một căn phòng, đều phải vì lợi ích của chúng sinh. Bạn cần nhớ: “Tôi bước chân vào căn phòng này vì lợi ích cho hết thảy chúng sinh. Nguyện sẽ có ít nhất một chúng sinh nào đó được hưởng lợi ích từ việc tôi bước chân vào và ra khỏi căn phòng này.” Mỗi hành động, cho dù lúc ngủ hay khi nói chuyện, đều phải được hồi hướng cho hết thảy chúng hữu tình theo cách này.
Tu: Thực hành
Trong sự thực hành của bạn, mọi thứ đều có thể trở thành đề mục thiền định. Có nhiều cấp độ thiền định như thiền quán, rồi thiền tĩnh trụ. Chúng ta bắt đầu quán chiếu về từ bi hay về một điều gì đó liên quan tới thế giới, về bậc Thầy, về tâm chí thành, về tình yêu chân thật và sự yêu thích thế tục thì đây là sự thiền quán. Đây không chỉ đơn thuần là ngồi một chỗ và tịnh khẩu. Đó cũng là một hình thức thiền song không phải là hình thức duy nhất. Để không bỏ phí bất cứ một thời khắc nào trong quãng thời gian có được thân người quý giá này, chúng ta có thể sử dụng năng lượng của mình để chiêm nghiệm thông qua sự quán chiếu.
Nền tảng hay tinh túy của Bồ tát hạnh chính là sự thiền quán trong mọi lúc, ngày và đêm; nguyên do của sự thực hành này đã được đề cập ở trên. Hãy thực hành như vậy cả đêm lẫn ngày mà không bỏ phí một giây phút nào! Bạn sẽ không thể làm được điều này nếu chỉ thực hành thiền định theo nghi thức, nhưng lại có thể đẩy mạnh sự thực hành không gián đoạn suốt ngày đêm nhờ vào sự thiền quán không theo nghi thức. Sự thiền quán theo nghi thức dài nhất cũng chỉ có thể kéo dài vài giờ đồng hồ mỗi ngày, toàn bộ thời giờ không thực hành còn lại sẽ là lãng phí. Như vậy, cuộc đời và cơ hội thực hành của bạn sẽ trôi qua một cách uổng phí biết bao!
Để có thể giải thoát mọi chúng sinh được đạt tới niết bàn, bạn cần phải vô cùng nỗ lực và chuyên cần. Để bắt đầu thực hành Bồ tát hạnh, bạn cần phải lắng nghe giáo pháp và rồi tư duy, chiêm nghiệm. Đây chính là cách bắt đầu đi vào thiền định. Đây là thông điệp dành cho sự thực hành khởi đầu.
(Trích ấn phẩm Ba bảy phẩm Bồ Tát Hạnh - Drukpa Việt Nam biên dịch và phát hành)
- 1512 reads