Bạn đang ở đây
Thực hành Phật Bản tôn như thế nào mới đúng cách?
Trong Kim cương thừa, Thượng sư là quan trọng nhất vì Ngài chính là tinh túy của toàn bộ Tam Bảo, Tam Căn Bản, Tam thân Phật, Tam thế Phật. Thượng sư đã trải nghiệm sự chứng ngộ cho nên những phẩm chất giác ngộ đó hiển diện trong Ngài. Vì vậy, mỗi chân ngôn mà chúng ta trì tụng, mỗi sắc tướng Phật Bản tôn dù là Quan Âm, Di Đà hay Thích Ca đều là hiện tướng của Thượng sư.
Tôn tượng Phật Thích Ca Mâu ni Bát tuế
Khi mắc bệnh tật cần sự chữa lành thì chúng ta quán tưởng Ngài là Đức Phật Dược Sư, khi cần trí tuệ thì chúng ta tin Ngài là Đức Phật Văn Thù, khi cần trường thọ thì chúng ta lại tin Ngài là Đức Bạch Độ Phật Mẫu, Tôn Thắng Phật Mẫu hay Đức Phật Vô Lượng Thọ. Đấy chỉ là những phương tiện thiện xảo khác nhau để chúng ta thỉnh cầu sự gia trì của Thượng sư, đồng thời đánh thức được tất cả những phẩm chất này nơi tự tâm. Chính vì vậy, Phật Bản tôn chính là sự quán tưởng từ nơi tự tâm mình. Mỗi lần nhớ nghĩ về Phật Bản tôn cũng là lúc chúng ta đánh thức tình thương yêu và lòng từ bi nơi tự thân.
Quán chiếu sắc thân và phẩm chất giác ngộ của Phật Bản tôn để trưởng dưỡng tình yêu thương vô điều kiện
Nhiều người đặt câu hỏi rằng: “Tôi thấy tình yêu thế gian rất dễ dàng phát khởi nhưng tình yêu thương vô điều kiện rất khó. Tại sao như vậy?” . Thật ra, tình yêu thương có điều kiện dựa trên cảm xúc, đó là những xúc tình tiêu cực dựa trên trải nghiệm, kết thúc là sự lo sợ, tham vọng, bất an, và đôi khi lại là tuyệt vọng bởi vì cảm xúc thay đổi vô thường dẫn đến sự không thỏa mãn.
Còn tình yêu thương vô điều kiện dựa trên trí tuệ, không có đối tượng, không cần đáp trả nên trải rộng tự nhiên và vững bền. Chỉ cần tưởng tượng và quán chiếu về sắc thân và phẩm chất giác ngộ của vị Phật Bản tôn, tự nhiên lòng từ bi vô điều kiện được trưởng dưỡng bởi vì Phật, Thượng sư, Bản tôn là tình yêu thuộc về sự kính ngưỡng, thuộc về tâm chí thành, không có dục vọng. Kết quả việc thiền định về Phật Bản tôn giúp chúng ta đạt được Tam thân Phật. Đó là thuật ngữ, còn để trải nghiệm thực sự Tam thân Phật là gì thì chúng ta phải có thời gian thực hành nhiều hơn là lý thuyết. Tam thân Phật chính là Pháp thân, Báo thân, Hóa thân, tương ứng với thân, khẩu, ý giác ngộ của chúng ta: Pháp thân là tâm, Báo thân là khẩu, Hóa thân là thân của chúng ta. Trải nghiệm được tinh túy thân, khẩu, ý mình chính là kết quả của việc thực hành Phật Bản tôn.
Phật Bản tôn bên ngoài, bên trong và bí mật
Ví dụ khi thực hành về Đức Phật Quan Âm, bạn cần hiểu Đức Phật Quan Âm có ba ý nghĩa: bên ngoài, bên trong và bí mật. Bên ngoài tức là những sắc tướng khác nhau. Như trong Kinh Phổ Môn có dạy, Đức Quan Âm tùy hiện 32 ứng thân để lợi ích chúng sinh. Trong Mật thừa, Đức Quan Âm hiện vô số Hóa thân, vô số sắc tướng khác nhau như Quan Âm bốn tay, nghìn tay, tám tay, Quan Âm hai tay, thậm chí là Quan Âm phẫn nộ như Mã Đầu Quan Âm, hay Đức Tara là Độ Mẫu Quan Âm. Phần sắc tướng bên ngoài nêu biểu cho phẩm hạnh, sự chứng ngộ và công hạnh khác nhau của một vị Phật và cũng chính là công hạnh còn tiềm ẩn, bị vô minh che phủ nơi chính mỗi người.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
Tiếp theo, Bản tôn Quan Âm bên trong chính là tình yêu thương, lòng bi mẫn, là Bồ đề tâm, sự giác ngộ. Bởi vậy chúng ta không chỉ quán tưởng một hình ảnh màu sắc trắng, đỏ, vàng mà thực sự phải cảm nhận, trải nghiệm sự rung động, truyền cảm của tình yêu thương, lòng từ bi, trí tuệ bên trong sắc thân vị Phật đó. Khi trải nghiệm được phẩm chất bên trong sắc thân một vị Phật là lúc chúng ta trải nghiệm được nội tâm, vì Phật mà chúng ta quán tưởng không là gì khác ngoài trải nghiệm nội tâm nơi mình.
Và vị Phật bí mật là lớp thứ ba, chúng ta gọi là Đức Phật Quan Âm bí mật - chính là tự tính Phật hay Đại Thủ Ấn, được gắn cho rất nhiều tên khác nhau, trong Kinh điển như Kinh Lăng Già gọi là Chân như hay tính Kim Cương, Bản lai diện mục, Chủ nhân ông… Tên gọi không quan trọng, điều quan trọng là hành giả phải trải nghiệm được tự tính ở nơi mình, còn những xúc tình chúng ta theo đuổi, vọng tưởng phân biệt nhị nguyên, đấy là bản chất sinh diệt mà từ trước đến nay mình lầm nhận nên đau khổ.
- 1963 reads